- Sẽ có người “phát hãi” những câu chuyện mà người nổi tiếng tiết lộ trong talk show “Nói ra đừng sợ”.

Chương trình được tổ chức như cuộc trao đổi thoải mái giữa người dẫn chương trình Lê Quốc Vinh với khách mời là người nổi tiếng trong các lĩnh vực. Vào lúc 20g mỗi tối thứ bảy (phát lại vào 13g chủ nhật) trên kênh Fansipan TV, khán giả lại có dịp nghe họ tâm tình về những vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Đó là câu chuyện của nghệ sĩ Đàm Liên, người từng được phong NSND từ gần 20 năm về trước và nổi danh với tích tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội với kỷ lục hơn 2000 đêm diễn.

Chiếc bóng của “sầu nữ tình yêu” Đàm Liên

NSND Đàm Liên được đông đảo công chúng biết tới với những biệt danh như "Bà chúa của sân khấu Tuồng" hay “Sầu nữ tình yêu”.

“Trong nghệ thuật, tôi đi tìm sự thành công trong cô đơn. Tôi tưởng tượng rằng một mình tôi trên con đường tìm giá trị của nghệ thuật tuồng. Tôi không đố kỵ với ai. Tôi vẫn muốn nếu là nhà hát phải đỏ đèn 25 đêm một tháng. Đừng nói tuồng không có khán giả mà cần phải tìm khán giả của mình”, nghệ sĩ Đàm Liên chia sẻ nỗi niềm mấy mươi năm của bà về quãng đường dài gian khó theo đuổi nghệ thuật tuồng cổ. Để đến giờ, bà đã được đông đảo công chúng biết tới với những biệt danh như "Bà chúa của sân khấu Tuồng" hay “Sầu nữ tình yêu” sau vai diễn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”.

Những tâm sự của người nghệ sĩ trên đỉnh nghệ thuật về một hiện tại cô đơn, mất mát mà cũng lại trẻ trung, yêu đời có sức nặng lay động trái tim của bất kỳ người xem nào. “Giờ đây, tôi sống một mình trong căn nhà rộng hàng trăm mét vuông với đầy đủ tiện nghi. Người bạn đời trăm năm đầu gối tay ấp đã bỏ tôi đi từ năm 94. Con gái duy nhất theo chồng vào Vũng Tàu sinh sống. Tôi sống trong sự khao khát, người xưa như một cái bóng lớn, bóng đi đến đến đâu thì tôi đi đến đấy, đi đến rồi bóng lại biến mất. Tôi cứ rượt theo. Điều ấy làm cho tôi luôn trẻ trung, khao khát”, bà kể. Và còn nhiều nữa những tâm sự về nghề, về đời bà đã chia sẻ chân tình với người dẫn chương trình Lê Quốc Vinh trong 2 số Nói ra đừng sợ.

Những chuyện “moi” từ họa sĩ Lê Thiết Cương

Người khách thứ hai không xa lạ với công chúng không chỉ là những người yêu tranh, nhưng sự xuất hiện lại của anh trước công luận mới là điều  bất ngờ vì sau nhiều biến cố riêng, họa sĩ Lê Thiết Cương dường như đã chán “tâm sự”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương và những tâm sự rất thật.

Gã họa sĩ sinh năm 1962, con nhà tư sản Hà Nội xịn này là một người học hành dang dở nhưng sự nghiệp thì đình đám thành danh. Lê Thiết Cương nổi tiếng với những phát ngôn kiêu bạc kiểu như:  “Sống như tôi cũng  hơi khó vì tôi có bệ đỡ. Bệ đỡ của tôi chỉ đơn giản tôi là người thành công, tôi  nói người ta mới nghe, cho dù có khó chịu đến mấy người ta cũng vẫn để ý, để tâm đến. Còn người khác thì chưa chắc đâu” hay về đàn bà: ” Điều tôi không ưa nhất ở phụ nữ: Đã là phụ nữ thì là âm, âm có nghĩa là nằm dưới, có nghĩa rằng cô ta phải nhẹ nhàng vừa phải, nhưng ngược lại, cô ta cứ thích dương! Tôi thấy phụ nữ muốn sao cũng được tôi có thể chấp nhận tha thứ, nhưng yêu cầu họ phải là nữ! Một người phụ nữ thông minh quá khiến tôi khó chịu! Một người phụ nữ trước tiên phải là nữ, thứ hai đừng có quá nhạy cảm, đừng có quá yêu người đàn ông, chỉ nên yêu vừa phải thôi, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Người phụ nữ khiến tôi thèm thích thì phải đẹp về thể xác. Tôi không thể chấp nhận đàn ông đẹp, vì cái đẹp của gã đàn ông chính là cái tài, cái tài là son phấn của đàn ông”.

Bạn bè trong và ngoài giới của gã họa sĩ này vẫn đồn thổi với nhau về sự “dị tính” của Lê Thiết Cương như gã rất cực đoan, kỹ tính không chỉ trong sáng tác Lê Thiết Cương kỹ cả trong: ăn, uống, ở, nghe... Ăn ít nhưng phải ngon, uống ít nhưng đồ uống phải thật, chỗ ở không phải cực lớn như các đại gia nhưng đắc địa trong một phố cổ nhỏ (gần nhà thờ, gần chùa, giữa trung tâm Hà Nội - một thành phố nổi tiếng từ thương mại đến sáng tạo nghệ thuật...)

"Tôi thích đọc sách nhà Phật bắt đầu trước năm 1990, hoàn toàn không có mục đích gì. Sự thẩm thấu là tự nhiên về bản chất, nó không nằm ở bề mặt. Tuy nhiên, tôi không vẽ chùa, không vẽ các nhà sư đang tụng kinh gõ mõ..."

Nhưng không chỉ có thế, với Nói ra đừng sợ, Lê Thiết Cương sẽ làm cho khán giả xem truyền hình bất ngờ, đau đớn hơn với những tâm sự rất thật của anh về nghệ thuật, giới làm nghệ thuật VN và cả về đời mình, những chuyện mà chẳng dễ gì “moi” được từ anh.

Trang Hạ phía sau những trang viết “câu khách”

Trang Hạ khiến người dẫn chương trình Lê Quốc Vinh phải thốt lên là cô biết cách “câu khách”.

Ngay sau cuộc trò chuyện được ghi hình, người dẫn chương trình Lê Quốc Vinh đã viết lên blog: Trang Hạ biết cách câu khách! Và Lê Quốc Vinh đã dành cho Trang Hạ nhiều lời bộc lộ sự ngạc nhiên khi anh viết nhiều hơn bình thường sau mỗi lần gặp nhân vật: Trái với sự tưởng tượng của tôi, Trang Hạ xuất hiện ở Vine Cellar Door với một cái váy hoa màu sắc sặc sỡ. Không có đôi bốt thường lệ và chắc hẳn cũng chẳng có con xe tay côn đậu bên ngoài. Cô nàng thắc mắc không hiểu vì sao biên tập lại chọn cô cho “Nói ra đừng sợ”, nhưng “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” mà cô dịch, và những bài viết gây sốc trên mạng đủ để khán giả phải tò mò về cô.

Ở cái tuổi ngoài 30, Trang Hạ hơi bị trẻ, càng trẻ hơn so với những gì cô vẫn viết và gây sóng trên mạn. Cá tính của blogger nổi tiếng này có sức mạnh cổ súy cho tích cách độc lập, mạnh mẽ và quyết đoán của người phụ nữ hiện đại. Trang Hạ tin vào những người đàn bà dám làm chủ cuộc sống và số phận của mình, thậm chí làm chủ cả trong chuyện tình ái và tình dục. Đối với cô, người đàn bà mạnh mẽ, dám đòi hỏi và dám từ chối, dám dấn thân và dám chấp nhận thất bại… là hình mẫu của người phụ nữ hôm nay.

Còn đàn ông ư? Cô hài lòng với người đàn ông biết hy sinh cái “vị thế” truyền thống mà Thượng đế sắp đặt để dành cho người đàn bà của mình dấn thân. Có lẽ cô gặp may khi có được người chồng biết (và làm tốt) rửa bát và chăm con chăng? Nhưng những tác phẩm mà cô viết hoặc dịch, không phải là hoàn toàn nhất quán. Hình như những nhân vật nữ lặng lẽ, hy sinh và đầy âm tính lại mang lại chiếm chỗ nhiều hơn trong các tác phẩm văn học của cô. Trang Hạ nói rằng, cô viết thế để câu khách, để kéo người ta vào blog của cô nhiều hơn, nơi mà cô sẽ cho họ thấy người “đàn bà đích thực” là ai khác.

Liêu Đông