Mới đây, các nhà khảo cổ Anh đã phát hiện ra rất nhiều bộ xương gà và thỏ rừng được chôn cất nguyên vẹn, cẩn thận và thậm chí là được chăm sóc kĩ càng từ thời kì Roman. Lý giải mà họ đưa ra chính là 2 loài động vật này đã từng được con người tôn thờ và có mối liên hệ mật thiết với các vị thần cổ đại, trước khi trở thành nguồn thực phẩm phổ biến của đất nước
Thỏ rừng và gà xuất hiện lần đầu tiên tại Anh vào khoảng hơn 2.000 năm về trước. Theo nghiên cứu của Naomi Sykes thuộc đại học Exeter, kết hợp với cả đại học Leicester và Oxford, cho biết tại thời điểm đó, con người coi đây là 2 loài vật linh thiêng, có liên quan đến thế giới tâm linh chứ không phải nguồn thức ăn phổ biến như hiện nay. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu này còn đi sâu tìm hiểu quá trình động vật , bao gồm cả gà và thỏ, trở thành biểu tượng hoặc có liên quan đến các hoạt động trong Lễ phục sinh.
Naomi cho biết ban đầu, con người xem gà và thỏ rừng là một dạng “của hiếm đặc biệt”. Chúng không được thả về hoang dã, hay được chăn nuôi rộng rãi trong hàng trăm năm liền. Phải đến cuối thời kỳ Roman, những suy nghĩ này mới dần bị xóa bỏ, và con người bắt đầu tìm cách chế biến các món ăn mới từ 2 loài động vật này, chủ yếu để phục vụ vào bữa tối của gia đình. Mùi vị và chất lượng tuyệt vời đã nhanh chóng biến gà và thỏ thành 1 nguồn thực phẩm phổ biến mới, thúc đẩy quá trình chăn nuôi phát triển hơn.
Kết quả nghiên cứu ban đầu từ những bộ xương mà các nhà khảo cổ học tìm được cho thấy gà và thỏ rừng lần đầu xuất hiện tại Anh lần lượt vào thời kì đồ sắt (thế kỷ thứ 5 - 3 trước công nguyên) và thời kì Roman (43 - 410 sau công nguyên). Điểm đặc biệt của phát hiện lần này chính là những bộ xương nguyên vẹn và được chăm sóc cẩn thận. Naomi cho biết: “Đây là 1 hiện tượng bất thường trừ khi con người tại thời kì đồ sắt cố ý chôn cất như vậy. Thông thường, chúng tôi sẽ chỉ tìm được những mảnh xương rời rạc và nằm ở vị trí cách xa nhau, và đôi khi là không hoàn chỉnh, thiếu rất nhiều bộ phận”.
Ngược dòng lịch sử một chút, trong thời kì chiến tranh ở xứ Gallia (Gallic Wars), hoàng đế Roma Julius Caesar cũng từng nhắc đến vấn đề này trong 1 ghi chép của cá nhân mình: “Người Anh coi việc ăn gà, thỏ rừng và ngỗng là đi ngược với những quy tắc của thần linh. Họ nuôi những loài động vật này, nhưng không phải làm nguồn thực phẩm, mà để phục vụ các mục đích khác”. Nhiều năm sau, nhà sử học Dio Cassius tiếp tục củng cố luận điểm này với dẫn chứng: Nữ hoàng Boudica từng thả 1 con thỏ về rừng với hy vọng có thể giành được chiến thắng trên chiến trường. Bà cũng chính là người đã khởi xướng cuộc đấu tranh với quân xâm lược Roma vào năm 60/61 sau công nguyên.
Trong một báo cáo của đại học Exeter, Naomi từng viết: “Ý tưởng về việc gà và thỏ là những sinh vật thiêng liêng, gắn liền với nhiều yếu tố tôn giáo không phải là quá xa lạ. Các bài nghiên cứu về văn hóa đã từng khẳng định nhiều loài động vật từng được con người tôn sùng và thậm chí là trở thành biểu tượng cho những thế lực siêu nhiên. Các tài liệu lịch sử cổ đại đã chỉ ra rằng gà có mối liên hệ với thần Mercury của Roma, còn thỏ thì liên quan đến 1 vị nữ thần khuyết danh. Điều đó giúp chúng trở nên quá đặc biệt và gần như bất khả xâm phạm cho đến tận cuối thời kỳ Roman”.
Tuy nhiên, khi số lượng gà và thỏ rừng nhanh chóng tăng lên, người Anh đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ và sử dụng chúng như một nguồn thực phẩm mới vào cuối thời Roman. Naomi cho biết: “1 loài vật được coi là đặc biệt khi nó có số lượng ít, hiếm có. Nhưng khi số lượng gà và thỏ rừng tăng lên, chúng trở nên phổ biến và mất đi giá trị tâm linh ban đầu của mình”. Điều này lại được thể hiện rõ hơn vào năm 410 sau công nguyên, thời điểm quân Roma rút khỏi nước Anh và gây ra 1 cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Số lượng gà và thỏ rừng cùng sụt giảm nhanh chóng, trong đó loài thỏ gần như đã biến mất hoàn toàn tại quốc gia này. Và thế là 1 lần nữa, con người lại coi việc ăn 2 loài vật này là điều cấm kị.
Đến thế kỷ thứ 6, Saint Benedict đã ban hành luật cấm tiêu thụ động vật 4 chân trong các thời kỳ tuyệt thực, bao gồm cả thời kỳ Lent. Điều này lại khiến gà và trứng gà một lần nữa trở thành nguồn thực phẩm chủ yếu tại Anh và đặc biệt phổ biến trong thời trung cổ. Với trường hợp của thỏ, chúng chỉ thực sự trở lại và lọt vào thực đơn của con người tại đây trong thế kỷ 13, và trở lên liên quan đến Lễ phục sinh vào thế kỷ 19 và thời kỳ Victoria.
Theo GenK