Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã khám phá được kiểu thời tiết trên một hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Điều khiến họ đặc biệt chú ý là hành tinh này có các đám mây chứa đầy khoáng vật đá quý như ngọc sapphire hay ngọc ruby.

{keywords}

Nằm cách Trái đất khoảng 1.000 năm ánh sáng về phía chòm sao Thiên Nga là một thiên thể khổng lồ, có tên gọi là HAT-P-7b, được phát hiện lần đầu tiên trong sứ mệnh thám hiểm không gian Kepler năm 2008. Ngoài kích thước "khủng" gấp 16 lần Trái đất, HAT-P-7b từng được coi là không có gì nổi bật.

Tuy nhiên, HAT-P-7b hiện là hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời của chúng ta có kiểu hình thời tiết đã được các nhà nghiên cứu nhận diện.

Chuyên gia David Armstrong thuộc Hội Vật lý thiên văn của Đại học Warwick (Anh), cho biết: "Sử dụng vệ tinh Kepler của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), chúng tôi đã có thể nghiên cứu ánh sáng phản xạ từ bầu khí quyển của HAT-P-7b, phát hiện ra bầu khí quyển này đang thay đổi theo thời gian. HAT-P-7b là hành tinh xảy ra hiện tượng khóa thủy triều, với cùng một bên hành tinh luôn đối diện với ngôi sao của nó. Chúng tôi phỏng đoán các đám mây hình thành ở phía ban đêm lạnh lẽo của hành tinh, nhưng chúng sẽ bốc hơi rất nhanh ở phía ban ngày nóng ấm.

Các kết quả thu được cho thấy, những trận gió mạnh lượn quanh hành tinh, dịch chuyển các đám mây từ phía ban đêm sang phía ban ngày. Các cơn gió thay đổi tốc độ đột ngột, dẫn đến việc các đám mây lớn tích tụ rời tan rã. Đây là phát hiện đầu tiên về thời tiết trên một hành tinh khí khổng lồ bên ngoài hệ mặt trời".

Theo nghiên cứu, HAT-P-7b cực nóng ở bên phía ban ngày, với nhiệt độ trung bình lên tới gần 2.587 độ C. Các đám mây trên hành tinh này cũng vô cùng đặc biệt vì chúng có thể chứa đầy corundum, khoáng chất tạo nên những viên đá quý sapphire và ruby.

Tuấn Anh (theo CNET)