Sau hơn hai thập kỷ phát hiện, hóa thạch của một loài bò sát biển mang phôi thai hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên bang California (Mỹ) vừa được các nhà khoa học tiết lộ, qua đó cung cấp những bằng chứng cho thấy loài bò sát biển cổ xưa này đẻ con chứ không phải đẻ trứng.

TIN LIÊN QUAN

Minh họa cảnh loài bò sát biển Polycotylus latippinus sinh con. Ảnh: National Geographic

Theo Tân Hoa Xã, hóa thạch loài bò sát biển này có tên khoa học Polycotylus latippinus, có niên đại khoảng 78 triệu năm thuộc thời kỳ Đại Trung Sinh. Hóa thạch “mẹ” có chiều dài khoảng 4,7m. Đây là một động vật ăn thịt khổng lồ, có bốn vây hoạt động như mái chèo.

TS Robin O'Keefe thuộc ĐH Marshall, bang Virginia (Mỹ) và TS Luis Chiappe – giám đốc Viện Khủng long cho biết, hóa thạch phôi thai bên trong hóa thạch “mẹ” bò sát biển đang phát triển cơ thể hoàn chỉnh, bao gồm xương sườn, 20 đốt sống, xương vai, xương hông và xương vây mái chèo.

Hóa thạch “mẹ” bò sát biển mang phôi thai. Ảnh: BBC

Theo lời của TS O'Keefe, các tài liệu trước đây đã mô tả các bộ phận cơ thể của loài bò sát biển thật sự không phù hợp để bò lên bờ và đẻ trứng vào tổ, nhưng không đưa ra được bằng chứng hóa thạch thuyết phục để chứng minh cho nhận định này.

Do đó, việc phát hiện hóa thạch trên là bằng chứng tuyệt vời cho thấy, loài bò sát biển cổ xưa đẻ con giống như động vật có vú. Các nhà khoa học nhận định, chúng cũng có lối sống mang tính xã hội, quan tâm và chăm sóc những đứa con vừa chào đời.

Huỳnh Phương