Khủng long không phải là loài động vật máu lạnh như chúng ta nghĩ trước đây, mà chúng có thân nhiệt giống như các loài chim và động vật có vú ngày nay, theo kết quả nghiên cứu của Viện công nghệ California (Mỹ).

TIN BÀI LIÊN QUAN

Việc phân tích răng hóa thạch (trái) của loài khủng long có thể cho thấy thân nhiệt của chúng. Ảnh AP, Alamy.

Theo tờ Daily Mail, các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ California (Mỹ) phát hiện, khủng long là loài động vật máu nóng sau khi tiến hành những nghiên cứu trên hóa thạch răng của khủng long. Trước đó, khủng long được cho là động vật máu lạnh giống như loài các loài bò sát khác, bao gồm thằn lằn, rắn, cá sấu,...
.
Máu lạnh khiến các loài bò sát thiếu khả năng giữ thân nhiệt ổn định khi nhiệt độ môi trường thay đổi. Chúng thường trở nên chậm chạp khi thời tiết lạnh và năng động hơn khi thời tiết âm áp.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích 11 chiếc răng của hai loài khủng long Brachiosaurus và Camarasaurus - sống cách đây hơn 150 triệu năm. Bằng cách đo nồng độ chất đồng vị phóng xạ các-bon và ôxy trong mem răng, họ có thể xác định được thân nhiệt của khủng lỏng với độ chính xác dao động từ 1- 2 độ C.

Kết quả phân tích cho thấy, loài Brachiosaurus có thân nhiện khoảng 38,2 độ C, trong khi thân nhiệt của loài Camarasaurus là 35,7 độ C. Các nhà khoa học phỏng đoán, thân nhiệt của hai loài khủng long này trong thực tế có thể cao hơn kết quả phân tích.

“Răng có thể coi là nhiệt kế để đo thân nhiệt của những loài động vật sống cách đây 150 triệu năm”, tiến sĩ Robert Eagle, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. “Trước đây, phương pháp này từng được sử dụng để đo thân nhiệt của khủng long, nhưng chúng tôi nghiên cứu trên góc độ hoàn toàn khác”.

Hiện tại, các nhà khoa học đang tiến hành đo thân nhiệt của những loài khủng long nhỏ hơn để tìm hiểu rõ hơn về cách giữ nhiệt của loài này. Nhóm nghiên cứu phỏng đoán, các loài khủng long khổng lồ có thể hạ nhiệt cơ thể bằng cách giảm tốc độ trao đổi chất hay thoát nhiệt qua các túi khí trên cơ thể của chúng.

  • Hà Hương