Cuối cùng ta cũng đã xác định được vị trí nguồn nước khổng lồ trên Sao Hỏa! Có được khám phá này là nhờ thiết bị radar tiên tiến lắp đặt trên một vệ tinh Sao Hỏa. Phân tích dữ liệu gửi về, các nhà khoa học Ý cho thấy một túi nước khổng lồ nằm sâu 1,5 dưới bề mặt lớp băng tại Cực Nam Sao Hỏa, một túi nước rộng tận 20 km.
Các nhà nghiên cứu nói rằng hồ nước khổng lồ này không khác gì nhiều hồ nước dưới lớp băng tại Bắc Cực và Nam Cực trên Trái Đất. Và nếu đã giống đến thế, ta hoàn toàn có cơ sở tin rằng hồ nước trên Sao Hỏa có sự sống.
Đã từ lâu, các nhà khoa học nghi ngờ rằng có một hồ nước khổng lồ đâu đó trên Sao Hỏa. Hôm nay mới phát hiện ra rằng nó trốn tại một nơi quá khó tìm. Ngay cả hồ băng dưới lớp băng hai Cực trên Trái Đất cũng không dễ tìm chút nào, huống hồ là trên một hành tinh khác.
Mới vài năm gần đây, ta mới có vệ tinh gắn radar tiên tiến nhằm phát hiện hồ nước ngầm dưới lòng Trái Đất. Còn với sứ mệnh Sao Hỏa, đội ngũ nghiên cứu từ nhiều viện khoa học khác nhau tại Ý chung tay kết hợp, thiết kế thiết bị quét lòng đất tương tự như công cụ quét có trên vệ tinh đang bay quanh Trái Đất. Thiết bị đang được nới tới nằm trên vệ tinh thăm dò Mars Express, đã bay quanh Sao Hỏa từ năm 2003.
MARSIS – Radar Tiên tiến Quét bằng âm thanh Tầng điện ly và Lớp Hạ bề mặt Sao Hỏa – sử dụng radar để làm công việc đúng với cái tên của nó. MARSIS đã hoạt động không ngừng nghỉ suốt 12 năm nay. Đến khoảng giữa tháng Năm năm 2012 và tháng Mười Hai năm 2015, đội ngũ nghiên cứu Ý mới tập trung tìm kiếm quanh lớp băng rộng 200 km vùng Nam Cực Sao Hỏa. Khu vực đó có tên là Planum Australe.
Họ lập nên tổng cộng 29 bộ dữ liệu của vùng này, thông qua sóng âm thanh bắn xuống bề mặt và dội lại. Tín hiệu dội lại từ nước sẽ "sáng" hơn tín hiệu dội từ đất đá hay trầm tích. Kết quả nghiên cứu: có một vùng sáng bất thường tại Planum Australe.
Nói một cách cụ thể, thì nước đá cực lạnh và cực tinh khiết hay đá carbon dioxide cũng có thể "sáng" được như vậy. Nhưng qua các chương trình giả lập, các nhà khoa học thấy rằng tín hiệu phản chiếu từ nước mới trùng khớp nhất với tín hiệu thu được từ vệ tinh Mars Express. Khả năng cao nhất là tại Planum Australe có một hồ nước khổng lồ.
Vẫn còn một vấn đề khác nữa: nhiệt độ của khu vực "sáng" này rơi vào khoảng 205 Kelvin, tương đương -68,15 độ C, thấp hơn nhiệt độ đóng băng nhiều. Nhiệt độ của các hồ nước dưới băng trên Trái Đất cũng chỉ có -13 độ C do thành phần nước có nhiều muối.
Đừng vội mất hi vọng! Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng nước tại khu vực trên vẫn có thể có dạng lỏng. Trên bề mặt Sao Hỏa có rất nhiều muối sodium, magnesium và canxi, nếu như những chất này ngấm xuống đất và vào nước, kết hợp với áp suất tạo ra bởi lớp băng bên trên, nước hoàn toàn có thể tồn tại ở dạng lỏng.
Sự sống có tồn tại ở những hồ nước dưới băng trên Trái Đất. "Có rất nhiều bằng chứng cho thấy vi khuẩn vẫn sống tại hai cực – thậm chí có những loài sống được trong các mạch băng", nhà sinh vật học vũ trụ không góp mặt trong nghiên cứu trên, Brendan Burns từ Đại học New South Wales, nói. "Dù rằng chưa khẳng định được tình hình trên Sao Hỏa, ta vẫn mở ra những khía cạnh tuyệt vời mới của khám phá vũ trụ".
Chúng ta không thể đưa ra khẳng định được. Lượng muối tập trung quá lớn cũng sẽ khiến sinh vật sống không thể tồn tại. Bên cạnh đó, ta chưa có cách nào tới được đây để lấy mẫu nước. Khám phá này vừa mới được đăng tải trên tạp chí Science, đồng nghĩa với việc chưa có kế hoạch khám phá nào sâu hơn (hoặc NASA đã có mà chưa cho ta biết).
"Đây là khám phá tuyệt vời nhờ công của Mars Express", nhà vật lý học vũ trụ Brad Tucker từ Đại học Quốc gia Úc, người không góp mặt trong nghiên cứu này, nói.
"Đã nhiều thập kỉ nay, ta vẫn tìm bằng chứng trên cả băng và trên các mạch nước cũ. Nhưng giờ, ta biết rằng nước dạng lỏng có mặt trên Sao Hỏa, cũng tồn tại giống với các hồ nước ngầm dưới băng trên Trái Đất.
"Mỗi tháng trôi qua, ta lại có những khám phá mới nhằm trả lời câu hỏi cơ bản nhất – liệu sự sống có tồn tại nơi đâu ngoài Trái Đất này không".
Theo GenK