Phát hiện này được NASA so sánh với việc tìm thấy rừng rậm nhiệt đới Amazon giữa lòng sa mạc Mojave.
Thảm tảo khổng lồ này dài tới 100km |
Trang DailyMail đưa tin, các nhà khoa học vừa phát hiện thấy một hiện tượng vô cùng kỳ thú và khó tin tại Bắc cực, khi một thảm tảo thủy sinh khổng lồ, dài tới 100 km đang tưng bừng sinh sôi nảy nở bên dưới mặt nước sâu.
“Đây là rặng tảo thủy sinh dưới băng lớn nhất từng được tìm thấy, dài tương đương với 1000 đường pitch quanh sân bóng đá”, NASA cho biết. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng thềm băng dày sẽ ngăn không cho thực vật biển tiếp nhận ánh sáng mặt trời cần thiết để phát triển và sinh sôi. Vì thế, khi chứng kiến cảnh tượng thảm tảo nở hoa khổng lồ, họ đã thực sự bị “sốc”.
Tảo và thực vật phù du thủy sinh là mắt xích cơ bản trong chuỗi thức ăn đại dương, đồng thời có tác động rất lớn đến khí quyển Trái đất nói chung. Những tế bào tảo tí hon sẽ hấp thụ tới 45 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm và cung cấp tới một nửa lượng oxy cho hành tinh.
Theo DailyMail, các nhà khoa học đang tiến hành chuyến thám hiểm NASA ICESCAPE tại vùng biển Chukchi nằm giữa Alaska với Nhật Bản thì vô tình “đụng độ” thảm tảo. Sau khi khoan xuyên qua lớp băng dày hơn một mét, họ nhận thấy mật độ tảo thủy sinh ở đây cao gấp 4 lần so với ở khu vực nước biển không đóng băng quanh đó.
“Nếu trước đây có ai hỏi tôi về việc tảo biển nở dưới mặt băng kiểu này, tôi sẽ bảo họ điều đó là bất khả thi”, trưởng nhóm thám hiểm Kevin Arrigo, một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Stanford cho biết.
Thay vì ngăn cản ánh sáng, Arrigo tin rằng lớp băng tan chảy thực ra lại có chức năng như kính phóng đại, tập trung ánh sáng mặt trời dưới nước biển về phía thảm tảo và cung cấp một điều kiện môi trường hoàn hảo để thực vật phù du thủy sinh có thể sinh sôi nảy nở.
Hơn thế nữa, lớp băng lại còn giúp bảo vệ thảm tảo khỏi tia cực tím. Nhờ vậy, chúng tăng trưởng nhanh gấp đôi so với các khu vực nước hở.
Y Lam