Được thị trường nước ngoài ưa chuộng

Đứng cạnh chiếc bàn trưng bày rất nhiều sản phẩm được chế biến từ mật hoa dừa đạt OCOP 3 sao, OCOP 4 sao, cô gái Thạch Thị Chal Thy nói, đây đều là những sản phẩm tinh tuý được khai thác từ cây dừa đặc sản ở Trà Vinh.

Chal Thy cho biết, diện tích dừa của Sokfarm là 2 ha, ngoài ra còn 18 ha liên kết với nông dân. Hiện có 6 ha dừa cho khai thác mật với sản lượng khoảng 1,2 tấn/ngày. Trung bình mỗi tháng, cô đưa 30 - 35 tấn mật hoa nguyên liệu vào sản xuất thành nhiều sản phẩm.

Nhiều sản phẩm OCOP được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Ảnh: Tâm An.

Một bông hoa dừa sẽ khai thác mật liên tục trong 25 ngày, tương đương 20 - 30 lít mật/hoa. Theo chu kỳ 25 ngày, một cây sẽ ra trung bình 13 hoa mỗi năm. Tính ra, trồng dừa lấy mật sẽ giúp người nông dân tăng lợi nhuận gấp 3 - 4 lần so với lấy trái.

Ba năm sau khởi nghiệp, sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa đã có chỗ đứng trên thị trường. Theo đó, 90% sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước, 10% còn lại được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hà Lan. Chal Thy cũng đang thương thảo để xuất khẩu qua những thị trường khác trên thế giới.

Khi giới thiệu về ống hút rau củ Ecos, Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng Lê Văn Tấm chia sẻ, ngoài công dụng chính dùng để uống nước thì có thể ăn trực tiếp, chế biến như xào, nấu, luộc, nhúng lẩu, hoặc có thể chiên như snack, trở thành món ăn lạ miệng, giàu dinh dưỡng.

Hiện ống hút rau củ ECOS được rất nhiều người tiêu dùng đón nhận. Mỗi ngày, hợp tác xã sản xuất trung bình 50.000 sản phẩm, bảo đảm được việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục chủ thể trong hợp tác xã.

“Sản phẩm ống hút làm từ rau củ quả của hợp tác xã đã được hội đồng chấm điểm OCOP 5 sao, đạt tầm quốc tế. Sản phẩm đã mở ra hướng đi mới, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị cho nông sản”. Ông nói và cho biết, ống hút Ecos đã có mặt tại nhiều chuỗi quán cafe, khách sạn, nhà hàng trong nước. Gần đây, một tín hiệu rất mừng là bước đầu hợp tác xã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để giới thiệu đến các thị trường quốc tế khác. 

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã lan toả mạnh mẽ trên khắp cả nước và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều địa phương đang hướng tới xuất khẩu, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân.

Phát huy giá trị của 8.689 sản phẩm OCOP
 
Tại Diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, ngày 12/11, ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương cho biết, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển nông thôn theo hướng phát huy nội lực bao gồm trí tuệ, sáng tạo, lao động, nguồn nguyên liệu, văn hóa của địa phương, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. 

Hình thành các chuỗi giá trị có thể phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP. Ảnh: Tâm An.

Sau 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang liên kết chuỗi giá trị khép kín, với vai trò chính là các hợp tác xã và doanh nghiệp. 

Đến nay, số lượng sản phẩm OCOP đạt chuẩn là trên 8.689 sản phẩm, tăng gấp 1,82 lần so với năm 2020. Cả nước đã hình thành được 393 chuỗi hoạt động hiệu quả và hơn 145 sản phẩm khai thác hiệu quả các vùng nguyên liệu của địa phương.

Cùng với đó, Chương trình OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt với chủ thể là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì đa dạng, thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường. Chương trình OCOP cũng góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống.

Song, ông Nhân cũng thừa nhận, việc phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, sản phẩm OCOP hiện khá đa dạng, phong phú nhưng vẫn hạn chế về mẫu mã, tiếp cận thị trường. Do đó, các địa phương cần có nhiều hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP, ví dụ như kết hợp sản phẩm OCOP với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đó là cách tiếp cận gần nhất, hiệu quả nhất với sản phẩm OCOP. 

Số lượng sản phẩm OCOP ngày càng nhiều nhưng các chủ thể vẫn ít lựa chọn sản phẩm đặc thù mang tính chất bản địa. Trong thời gian sắp tới, các chủ thể cần sáng tạo hơn về sản phẩm, đề cao giá trị đặc sắc và khác biệt cho sản phẩm. 

Về phía địa phương cần hỗ trợ tích cực hơn, có kế hoạch đồng bộ, chi tiết để xây dựng chiến lược riêng, tránh trùng lặp. Bên cạnh đó, cần kêu gọi các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ tham gia kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo động lực cho các chủ thể tham gia phát triển chuỗi giá trị OCOP lâu dài, bền vững, ông Tùng nhấn mạnh.

Hà Giang