Có vị trí địa lý chính trị đặc thù, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc.
Lợi dụng điều này, các đối tượng mua bán người biến Quảng Ninh trở thành địa bàn trung chuyển nóng các vụ buôn bán người từ các tỉnh thành trong cả nước qua Trung Quốc với nhiều phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình liên quan đến phòng chống tội phạm, mua bán người và tệ nạn xã hội.
Các cấp hội tích cực xây dựng mạng lưới tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật; đội ngũ hòa giải viên được quan tâm kiện toàn. Đến nay, số hòa giải viên là chi/tổ trưởng phụ nữ 1.153 người.
Hội tiếp tục duy trì hoạt động của 345 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; 173 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; 236 "Chi hội nòng cốt thực hiện và chấp hành pháp luật”; 1 câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn xã hội”; 97 mô hình “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” với 1.294 thành viên tham gia.
Cùng với đó là 53 mô hình “Chi, tổ phụ nữ quản lý, giáo dục cảm hóa trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em hư”; 10 câu lạc bộ “Di cư an toàn phòng chống buôn bán người”, câu lạc bộ “Quyền trẻ em, phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em".
Các câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên với nội dung phong phú, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ tập trung vào tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về công tác phòng, chống mua bán người, ma túy, tệ nạn xã hội; kỹ năng tuyên truyền, vận động người thân, con em trong gia đình nâng cao cảnh giác đối với các hành vi, thủ đoạn mua bán người... Đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp điều hành quản lý các mô hình thường là cán bộ chi, tổ Hội, tích cực vận dụng triển khai các hoạt động phong trào, quản lý, điều hành các mô hình hiệu quả.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phát huy vai trò của các chi, tổ Hội Phụ nữ trong việc nắm địa bàn, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, phụ nữ; hỗ trợ nạn nhân phụ nữ trẻ em bị mua bán trở về. Tham gia phối hợp các cơ quan chức năng, các ngành đoàn thể thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, vận động quần chúng, đấu tranh tố giác tội phạm, giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Tích cực tuyên truyền, quán triệt cán bộ, hội viên, phụ nữ cảnh giác, tránh xa, tham gia tố giác các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin để dụ dỗ, lừa bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự hoặc sang nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 48 lớp tập huấn, hội nghị truyền thông cho 2.390 lượt cán bộ, hội viên, hộ kinh doanh. Tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh, kỹ năng chuyển đổi số, phòng chống nạn mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, các văn bản pháp luật mới ban hành.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cho biết, giai đoạn này, Hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2023 - 2027 theo Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền phòng chống mua bán người.