don bp bac son quang ninh tuyen truyen ve cong tac bao ve chu quyen bien gioi duong bien cot moc cho nhan dan.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn (BĐBP Quảng Ninh) tuyên truyền về công tác bảo vệ đường biên, cột mốc cho các đoàn viên và nhân dân trên địa bàn.

“Tai mắt” giúp BĐBP bảo vệ biên giới

Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, những năm qua, BĐBP đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới với những nội dung, hình thức phong phú, sinh động. Qua đó, huy động được đông đảo quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Nhiều năm qua, bất kể ngày mưa hay nắng, ông Lỳ Xuyến Phù ở bản A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đều cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng  A Pa Chải lên đường tuần tra đường biên, cột mốc.

Là người cao tuổi của bản, ông Phù thông thạo địa bàn, địa hình khu vực biên giới, lại am hiểu phong tục, tập quán của người bản địa, được dân bản tin tưởng, kính trọng. Trong suốt những năm qua, ông Phù là thành viên của Tổ tự quản đường biên, mốc giới. Không chỉ tham gia tuần tra biên giới cùng BĐBP mà ông Phù còn là người đi đầu phát triển kinh tế, giúp bà con trong bản vươn lên xoá đói giảm nghèo; tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới dòng họ, bản làng nơi ông sinh sống.

Đến phường Trà Cổ (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), khi nhắc đến ông Trần Trung Kiên ở khu Tràng Vĩ, không ai lại không biết ông là một trong những người đầu tiên tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc giới nơi đây và hiện ông vẫn đang là thành viên tích cực nhất của Tổ. 

Ông Kiên chia sẻ, là người dân trực tiếp lao động, sản xuất trên khu vực biên giới, nên ông và bà con nơi đây có thể nắm bắt kịp thời các diễn biến, giúp lực lượng chức năng xử lý các tình huống vi phạm pháp luật, cứu hộ cứu nạn... Nhiều lần ông Kiên được Đồn Biên phòng Trà Cổ mời tham gia phối hợp tuần tra dọc theo các tuyến đường biên, đến thăm từng cột mốc chủ quyền lãnh thổ quốc gia. 

“Qua mỗi dịp như vậy, chúng tôi hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, cung cấp tin báo về các âm mưu chống phá, lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đoàn kết nơi địa bàn biên giới”, ông Kiên chia sẻ.

Tại các địa bàn vùng giáp ranh biên giới quốc gia, quần chúng nhân dân đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, củng cố trật tự an toàn xã hội. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm từ việc làm của mình đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia, người dân ngày càng thêm tự giác, tự nguyện tham gia hiệu quả các mô hình tự phòng, tự quản, bảo vệ đường biên, mốc giới. 

Tại phường Trà Cổ (thành phố Móng Cái), phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trở thành giải pháp để người dân tích cực đóng góp cho mục tiêu giữ vững địa bàn ổn định, bình yên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong những năm qua, nhiều mô hình nhân dân tự quản về an ninh trật tự được ra mắt, duy trì có hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình Tổ tự quản đường biên, mốc giới được duy trì từ năm 2016 đến nay.

Bên cạnh vai trò nòng cốt của lực lượng Biên phòng, sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự địa bàn luôn được chú trọng phát huy. Những năm qua, ở khu vực biên giới đã xuất hiện nhiều mô hình tự quản đường biên, cột mốc do BĐBP xây dựng với các lực lượng như đoàn viên, thanh niên, phụ nữ… nhằm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp sức tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. 

Việc xây dựng các mô hình khuyến khích người dân vùng biên giới tham gia tự quản đường biên, cột mốc cũng chính là cách để giúp nâng cao nhận thức pháp luật, trách nhiệm công dân để đẩy lùi các loại tội phạm. 

W-vanh-dai-bien-gioi-1.jpg
Nghị quyết 33-NQ/TƯ về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới đã xác định “nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là cột mốc sống”. 

Tạo "vành đai" giữ vững biên cương

Xác định bảo vệ biên giới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, trong đó, nhân dân là chủ thể, BĐBP là lực lượng chuyên trách. Để phát huy tốt vai trò chủ thể của quần chúng nhân dân cũng như quán triệt, thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết 33-NQ/TƯ về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới trong đó đã xác định “nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là cột mốc sống”.

Quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, hải đảo là những người trực tiếp làm ăn, sinh sống, gắn bó với tầng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc; luôn kề vai, sát cánh cùng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, cột mốc thông qua các hoạt động trong cuộc sống thường nhật như canh tác, lao động sản xuất, chăn thả gia súc… đã kịp thời phát hiện các vi phạm quy chế biên giới để báo cáo cho lực lượng biên phòng kịp thời xử lý, giải quyết. Trở thành “tai mắt” giúp BĐBP thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Theo báo cáo của BĐBP, hiện có 45.731 hộ gia đình, 1917 tổ và 96.772 cá nhân tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Bên cạnh đó, BĐBP đã thành lập được 16.544 tổ tự quản về an ninh trật tự; đăng kí 3.018 tổ tàu thuyền an toàn, 400 bến bãi an toàn và 54 đội sản xuất an toàn trên biển.

Cao Bằng là địa phương đánh dấu sự ra đời đầu tiên của phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự xóm bản khu vực biên giới”.

Những năm qua, các đơn vị của BĐBP Cao Bằng đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân khu vực biên giới, nhất là nhân dân các xóm sát biên giới hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào để mỗi người dân xác định được trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đến nay đã thành lập được 119 ban tự quản đường biên, mốc giới; 440 ban tự quản an ninh trật tự; 69 tổ tự quản an ninh trật tự xóm, bản. Năm năm qua, các tổ chức, cá nhân khu vực biên giới đã phối hợp với các đơn vị BĐBP tuần tra bảo vệ biên giới được 2698 lần với 13.548 lượt người; tham gia phát quang đường tuần tra, đường thông tầm nhìn biên giới được 1.011 lần với 27.752 lượt người; trồng hơn 6000 cây dọc đường tuần tra biên giới; phát hiện và cung cấp 1286 nguồn tin có giá trị, qua đó giúp lực lượng BĐBP và các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới kịp thời xử lý.

Bên cạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các đơn vị BĐBP trong cả nước còn triển khai thực hiện các mô hình có hiệu quả như: Camera an ninh; Tiếng mõ trong xóm; Làm đường tuần tra; Tiếng kẻng vùng biên; Phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép… góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới, mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đàm Xuân An, Nguyễn Hoàng Hà, Trần Quốc Hoàn