Kính thưa GS. TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam!

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Thưa các đồng chí lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh qua các thời kỳ!

Thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất vui mừng đến dự Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh nhà lần thứ Năm, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là sự kiện rất quan trọng, được đông đảo những người làm công tác khuyến học và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh mong đợi.

Tại diễn đàn trọng thể này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới đồng chí Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các vị đại biểu, khách quý; cùng 290 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 958 nghìn hội viên Hội Khuyến học trong toàn tỉnh về dự Đại hội, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất! Chúc đại hội thành công tốt đẹp!

Thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể Đại hội!

Như chúng ta đều biết, từ xa xưa, ông cha ta luôn coi việc học như quốc kế sinh tồn, quyết định đến sự hưng thịnh của đất nước và đã đúc kết thành các câu ca như: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/Gắng công mà học có ngày thành danh”,… Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, trong nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự vào cuộc của gia đình và toàn xã hội, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục có bước phát triển; nhiều chỉ tiêu của nhiệm kỳ đã đạt và vượt kế hoạch, không chỉ góp phần vào những thành tích của ngành giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Tổ chức Hội Khuyến học các cấp được củng cố, kiện toàn, hoạt động đạt nhiều kết quả tốt; nhiều mô hình học tập được xây dựng và phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo các cá nhân, gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 83,59% gia đình, 82,4% dòng họ, 89,95% cộng đồng, 84,23% đơn vị cấp xã được công nhận gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập; có 539/559 xã, phường, thị trấn được công nhận cộng đồng học tập cấp xã.

Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới. Trong 5 năm qua, nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong công tác khuyến học, khuyến tài được triển khai, như vận động, giúp đỡ ngăn chặn học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục học tập; vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp; vận động trẻ em khuyết tật đến trường; mở các lớp học tình thương cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng khu dân cư có hiệu lệnh báo giờ học buổi tối, khu dân cư có tủ sách khuyến học… qua đó thôi thúc từng người dân, từng gia đình, dòng họ, từng khu dân cư tham gia vào việc học tập, đưa công tác khuyến học, khuyến tài, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp.

Hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân, tạo điều kiện cho người dân được tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Việc xây dựng các Quỹ khuyến học, khuyến tài  được quan tâm; bằng sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, hội viên Hội Khuyến học tỉnh đã không quản khó khăn, gian khổ, miệt mài với sự nghiệp khuyến học, tích cực tuyên truyền, vận động tạo nguồn kinh phí để khuyến khích, hỗ trợ công tác dạy và học ở tất cả các vùng, miền trong tỉnh, nhất là ở những vùng quê nghèo khó, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 30 quỹ khuyến học, khuyến tài đang hoạt động; trong đó Quỹ khuyến học, khuyến tài Lam Sơn, Quỹ khuyến học, khuyến tài Lê Khả Phiêu, Quỹ khuyến học Doãn Tới, Quỹ khuyến học, khuyến tài Nguyễn Đan Quế, Học bổng của gia đình GS Lê Viết Ly, Học bổng Nâng cánh ước mơ và nhiều quỹ khuyến học, khuyến tài khác đã nâng cánh cho nhiều ước mơ, thắp sáng cho nhiều tài năng phát triển.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác hội và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà tỉnh ta đạt được trong 5 năm qua; nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, đóng góp không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, hội viên Hội Khuyến học trong toàn tỉnh. Trân trọng cảm ơn những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp, chung sức xây dựng xã hội học tập của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Thưa các vị đại biểu!

Phấn khởi với những thành tích, kết quả đã đạt được, song chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là: Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển chưa đồng đều, chất lượng và hiệu quả hoạt động một số cấp Hội chưa cao; nhận thức về sự cần thiết và lợi ích từ việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân chưa đầy đủ, dẫn đến chưa tự giác trong việc học tập. Phong trào học tập suốt đời trong cán bộ, công chức, người lao động; việc xây dựng các mô hình hiếu học trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị chưa mạnh. Hoạt động của nhiều trung tâm học tập cộng đồng còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu học tập đa dạng của người dân, nội dung nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Một số cấp uỷ, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc và chưa thực hiện một cách thực chất việc xây dựng xã hội học tập...

Những tồn tại, hạn chế trên cũng chính là những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với công tác hội và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh ta. Tại Đại hội này, tôi đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp thiết thực, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể Đại hội!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu luôn là tấm gương sáng về học tập, Người đã dành trọn đời mình để chăm lo việc học của Nhân dân, bởi theo Người "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn cho nước ta trở thành một nước giàu mạnh, thì dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái" và “Để đảm bảo cho đất nước phát triển trong một thế giới luôn biến đổi thì phải có tri thức, phải có tầm cao trí tuệ và chỉ có học, học suốt đời mới có được điều đó”.

Ngày nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn chăm lo sự học. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Xác định phải “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.  

Trong giai đoạn phát triển mới, công tác hội và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế tri thức, kinh tế số đòi hỏi nhiều hơn về khối lượng tri thức mà con người cần có để làm giàu trí tuệ của mình. Tôi thống nhất cao với phương hướng chung, các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2021 - 2026 được nêu trong Báo cáo trình tại Đại hội.

Để công tác hội và và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh; trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội Khuyến học cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới; trọng tâm là  Kết luận số 49-KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2021-2030”, để cụ thể hóa thành nội dung hoạt động phù hợp với nhiệm vụ, chức năng công tác hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó tích cực, chủ động tham gia hưởng ứng các hoạt động do Hội tổ chức phát động, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, xây dựng và phát triển người Thanh Hóa tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Thứ hai, chăm lo xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở hội vững mạnh toàn diện, nhất là trong cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, trong các đơn vị lực lượng vũ trang,... qua đó đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh. Thực hiện tốt các phong trào khuyến học, khuyến tài với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới. Các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đa dạng các loại hình học tập trong các nhà trường, gia đình, dòng họ, khu dân cư, phát huy hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để mọi người dân, nhất là những người lớn tuổi có cơ hội được học tập thường xuyên.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài. Hội Khuyến học các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác tư vấn, phản biện xã hội; tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; tiếp tục phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “sóng và máy tính cho em” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình, điển hình, các nhân tố mới về học tập và xây dựng xã hội học tập, những tấm gương sáng về học tập, những gia đình, dòng họ, khu dân cư, đơn vị hiếu học tiêu biểu, những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Thứ tư, các cấp hội cần phối hợp chặt chẽ với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội đa dạng hóa các phương thức học tập dựa theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, kết hợp giữa học trực tuyến với học trực tiếp, lấy "tự học làm cốt". Theo đó, cần đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, cách thức hỗ trợ giáo dục trong các nhà trường với nhiều cách làm phong phú và sinh động hơn, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; vừa phải quan tâm hỗ trợ các trang thiết bị, đồ dùng học tập, xây dựng các phòng học cho học sinh vùng khó khăn, trao học bổng cho học sinh, sinh viên học tốt và thưởng cho giáo viên dạy giỏi, vừa phải đặc biệt quan tâm tới việc tự học, học qua hình thức trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp...

Thứ năm, khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ hết sức quan trọng, yêu cầu học tập, nâng cao trình độ là nhu cầu cần thiết để bảo đảm sự phát triển toàn diện của con người và xã hội. Tôi đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, tích cực tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời, để nâng cao trình độ, phục vụ công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Nhân sự kiện quan trọng này, tôi đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác khuyến học, khuyến tài để tỉnh ta ngày càng có nhiều người hiền tài, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; làm giàu thêm truyền thống hiếu học, văn hiến và khoa bảng của quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Thưa toàn thể Đại hội!

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu ra Ban Chấp hành khoá mới; tôi đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, sáng suốt lựa chọn những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có năng lực công tác, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có sức khỏe, tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài để bầu vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh khóa Năm.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi chân thành cảm ơn Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đặc biệt là cá nhân đồng chí Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, trong thời gian qua đã luôn dành sự quan tâm đối với phong trào của tỉnh Thanh Hoá và hoạt động của Hội Khuyến học tỉnh; mong rằng trong thời gian tới, các đồng chí tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn nữa để công tác hội và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh ngày càng phát triển, thu được nhiều kết quả tích cực.

Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hoá lần thứ Năm sẽ thành công tốt đẹp, mở ra giai đoạn phát triển mới, cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Với tình cảm quý trọng và niềm tin tưởng sâu sắc, nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2022 và đón Xuân Nhâm Dần, thay mặt lãnh đạo tỉnh, xin kính chúc đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng! Năm mới giành nhiều thắng lợi mới!

Xin trân trọng cảm ơn!

Nhân dịp Đại hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Hội Khuyến học Thanh Hóa bức trướng mang dòng chữ: “PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC, ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THANH HOÁ GIÀU ĐẸP, VĂN MINH”

Xin mời các đồng chí trong Thường trực Hội Khuyến học tỉnh lên đón nhận.