Ngày nay, có rất nhiều bộ phận của ô tô mà chúng ta coi là hiển nhiên, và bộ khởi động bằng điện là một trong số đó. Thế nhưng, cách đây hơn 100 năm, việc phát minh ra bộ phận này không chỉ thay đổi ngành công nghiệp sản xuất ô tô mà còn giúp bình đẳng giới tại Mỹ.

Trước khi có bộ đề tự khởi động bằng điện, lái xe chỉ có một cách duy nhất là phải dùng tay đòn chữ "Z" bằng thép, cắm vào và quay động cơ theo cách thủ công để nổ máy. Đó là công việc không chỉ mất sức mà còn vô cùng nguy hiểm.

{keywords}
Việc phát minh ra bộ khởi động điện đã thay đổi ngành công nghiệp ô tô và còn giúp bình đẳng giới tại Mỹ.

Ý tưởng về bộ tự khởi động động cơ ô tô đến từ kỹ sư Henry Leland, người điều hành hãng xe Cadillac. Ông Henry Leland quyết tâm cho ra đời bộ khởi động điện sau khi đã mất đi một người bạn thân là Byron Carter vào năm 1910.

Byron Carter đã bị một tai nạn sau khi dừng lại giúp đỡ một người phụ nữ khởi động xe. Trong lúc thao tác, cánh tay đòn quay động cơ bằng thép đã bật ngược vào mặt của Byron. Tai nạn khiến Byron bị vỡ quai hàm rồi nhiễm trùng và anh bị mất không lâu sau đó.

Việc khởi động thủ công bằng cách dùng tay đòn còn là một cực hình đối với phụ nữ và gần như không có quý bà nào có thể tự khởi động được xe. Điều này khiến phụ nữ thiệt thòi khi tiếp cận sử dụng xe hơi.

Từ những khó khăn đối với phái yếu và sự đau đớn khi mất đi người bạn trong khi bản thân là một người điều hành hãng xe là điều không thể chấp nhận được với Henry Leland, ngay sau đó, ông đã liên hệ với nhà khoa học nổi tiếng Charles Franklin Kettering để hiện thực hoá ý tưởng tạo ra bộ đề bằng điện mà không cần mất sức quay động cơ.

Charles Franklin Kettering là một người đã tạo dựng được tên tuổi khi tự chế tạo động cơ điện cho máy tính tiền, đồng thời cũng làm chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất các bộ phận ô tô. 

{keywords}
Ông Charles Franklin Kettering với phát minh của mình. (Ảnh: Ohio History)

Ở thời điểm cách chúng ta 110 năm, khi tư duy về điện vẫn còn hạn chế thì Charles đã khéo léo vận dụng và chế tạo một động cơ điện gắn liền với động cơ. Động cơ điện này quay, giúp cung cấp quán tính làm quay động cơ của ô tô, đồng thời cũng có thể được sử dụng như một máy phát điện cho hệ thống đèn và sạc lại ắc-quy trên ô tô.

Hệ thống khởi động này được thử nghiệm, chế tạo trong khoảng 1 năm và lần đầu lắp đặt trên một chiếc Cadillac vào năm 1912. Sau đó 3 năm, vào năm 1915, Kettering được cấp bằng sáng chế và ứng dụng vào hầu hết các hãng xe thời điểm đó.
 
Việc ô tô tự khởi động được chỉ bằng cách vặn chìa khoá đã thay đổi hoàn toàn văn hóa ô tô ở Mỹ thời kỳ đó. Phát minh này giúp hầu hết mọi người vận hành xe một cách dễ dàng ngay cả với phụ nữ. Điều này rộng hơn còn giúp phái yếu trở nên bình đẳng và năng động hơn trong xã hội.

Trong sự nghiệp của mình, Charles Franklin Kettering đã nhận được tổng cộng 186 bằng sáng chế các loại. Ông còn biết đến là người sáng lập Delco và là người đứng đầu nghiên cứu tại General Motors từ năm 1920 đến 1947. Hiện tên của ông được đặt cho trường đại học Kettering như một cách để tôn vinh những đóng góp của ông cho xã hội.

Nguyễn Hoàng (theo MNS)

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Giấu chồng đi thử xe, người phụ nữ đã làm thay đổi lịch sử ô tô thế giới

Giấu chồng đi thử xe, người phụ nữ đã làm thay đổi lịch sử ô tô thế giới

Cùng với chồng - Karl Benz, Bertha Benz là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử xe hơi. Họ đã cùng nhau sáng chế và tạo ra chiếc ô tô động cơ xăng đầu tiên trên thế giới.