Bổ sung hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tại các cao tốc
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, nhiều tuyến đường trọng điểm đang sử dụng các bộ cân tự động ở tốc độ cao để kiểm soát phương tiện quá tải, như: Dự án cân kiểm tra tải trọng xe trên Quốc lộ 5, Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Biên Hòa, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường tỉnh 741 Bình Dương... Quá trình hoạt động cho thấy, mô hình cân này cho phép kiểm soát 100% phương tiện 24/24, trong mọi điều kiện thời tiết.
Đơn cử như tại đường tỉnh 741, theo báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Bình Dương, chỉ trong thời gian 1 tháng vận hành trạm cân tự động, kết quả ghi nhận 286.458 lượt xe, tổng số xe quá tải trọng trên 10% là 14.560 lượt xe, chiếm tỷ lệ 5,08%.
Để kiểm soát hiệu quả tình trạng xe quá tải trọng, Cục Đường bộ đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, cho phép bổ sung vào các dự án cao tốc đang triển khai hạng mục lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe. Đối với các tuyến quốc lộ chưa đầu tư cân kiểm tra tải trọng xe, các chủ đầu tư bổ sung các bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tốc độ cao ở các làn xe tại vị trí phù hợp.
Sử dụng cân tự động cảm biến thạch anh và AI để ghi nhận dữ liệu toàn diện
Nhìn từ bài học của các quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc… có thể thấy hiệu quả rõ nét trong bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý triệt để xe quá tải nhờ ứng dụng cân tự động cảm biến thạch anh để “phạt nguội”.
Hiện có nhiều loại khác nhau, nhưng đây đang là công nghệ được ưu tiên sử dụng. Bởi thanh cảm biến thạch anh sẽ có ưu điểm đặt âm dưới mặt đường nên không bị tài xế có thủ thuật phá hoại; xe đi qua không ảnh hưởng đến cân. Công nghệ này cũng giúp hệ thống cân không bị phụ thuộc vào nhiệt độ, đổ ẩm của môi trường nên sai số đạt mức thấp nhất trong thời gian dài.
Ông Joe Ong - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Kistler - thành lập từ 1944 tại Thuỵ Sỹ và là tập đoàn chuyên cảm biến công nghiệp hàng đầu thế giới - chia sẻ: “Hàng chục năm nay, Kistler đã cung cấp cảm biến thạch anh và được chứng minh hiệu quả trên toàn cầu. Công nghệ này sẽ phù hợp cho hoạt động cân tải trọng cả khi xe di chuyển tốc độ cao. Thanh cân có độ bền lâu và chi phí bảo trì, thay thế cũng tiết kiệm hơn”.
Theo kỹ sư Elcom - đơn vị có hơn 10 năm phát triển hệ thống cân tải trọng tự động, ngoài tích hợp thanh cân cảm biến thạch anh của Kistler, Elcom đưa trí tuệ nhân tạo - AI, dữ liệu lớn - Big Data vào hệ thống cân để đạt độ chính xác f10 và độ ổn định lên tới trên 99% ngay cả khi phương tiện cố tình di chuyển lệch làn.
Khi xe di chuyển vào khu vực cân, hệ thống ghi nhận và hiển thị biển số trước. Đi qua thanh cảm biến cân, hệ thống cân và trả về thông tin tải trọng toàn bộ, tải trọng trục của xe. Xe qua khu vực cân, hệ thống ghi nhận biển số sau.
Hoàn tất một phiên cân như vậy, hệ thống trả lại đầy đủ dữ liệu cần thiết, bao gồm: Video, hình ảnh xe đi qua trạm cân; Tải trọng trục, tải trọng tổng; Biển số trước, biển số sau. Dựa vào biển số, hệ thống tự động truy vấn trực tuyến với dữ liệu đăng kiểm để tính toán và kết luận có quá tải trọng cho phép không, lập phiếu cân và chuyển cơ quan chức năng xử lý đối với trường hợp vi phạm.
Nhờ lắp đặt các camera ứng dụng AI, hệ thống của Elcom còn có thể tự động phát hiện vi phạm quá khổ, xe không che bạt hoặc có che bạt nhưng vẫn rơi vãi vật liệu ra đường… Hệ thống cũng nhận diện các hành vi “lách luật” của tài xế giúp lực lượng chức năng có phương án xử lý kịp thời. Hơn nữa, các báo cáo lưu lượng xe, phân tích và dự báo xu hướng được hệ thống cung cấp phục vụ công tác quản lý hạ tầng, quy hoạch và điều hành giao thông.
Trong thời gian tới, các trạm cân kiểm tra tải trọng xe tự động theo mô hình mới như trên, kết hợp xử lý vi phạm hành chính trực tiếp và gián tiếp cùng với sự ra quân đồng bộ của các cấp chính quyền tiến tới thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 32/CT-TTg về việc không còn xe quá tải tham gia lưu thông, kỳ vọng vấn nạn xe quá tải được kiểm soát hiệu quả.
Thanh Hà