Tôi 35 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Nơi tôi sống hiện được xem là 'khu đất vàng' của Sài Gòn.
Bố mẹ tôi đến đây mua đất từ trước năm 1975. Tôi nghe mẹ kể, trước kia, nơi đây là cánh đồng lúa, dân ở thưa thớt.
Theo tập tục của người Sài Gòn xưa, trong nhà có người mất thì mang ra khu đất gần nhà chôn cất. Nếu gia đình đất rộng thì có thể chôn người thân ngay trong vườn nhà mình.
Hiện ở Sài Gòn có nhiều nghĩa trang nằm trong khu dân cư. |
Ban đầu, nghĩa trang gần khu tôi sống chỉ lác đác vài ngôi mộ của các hộ dân trong vùng. Lâu dần, người nơi khác biết nên đến mua đất chôn cất người thân. Hiện toàn nghĩa trang có khoảng gần 4000 ngôi mộ, nằm xen lẫn trong khu dân cư.
Nhà tôi ở còn cách một con đường mới đến nghĩa trang. Có những ngôi nhà, mộ nằm trước cổng, che hết lối đi.
Cũng vì mộ nằm trước nhà nên nhiều gia đình kê bàn ghế ra ngoài nghĩa trang ngồi uống nước, có gia đình thì phơi cơm thừa, trồng rau, vứt rác bừa bãi ngoài nghĩa trang.
Hơn 10 năm trước, chúng tôi rất mừng khi nghe tin có quyết định giải tỏa nghĩa trang này. Sau khi giải tỏa, khu đất của nghĩa trang sẽ làm công viên, khu vui chơi giải trí cho người dân ở phường.
Hay tin, ai ở chỗ tôi cũng đinh ninh, rồi đây không gian nơi mình sống sẽ khang trang, sạch sẽ, thoáng mát hơn. Tuy nhiên, đến nay, số mộ được dời đi mới chỉ rất ít.
Mỗi năm, vào dịp cuối năm hoặc đầu năm, những người sống gần nghĩa trang như chúng tôi lại khốn khổ vì người ta thực hiện việc bốc mộ để di dời.
Tiếng khóc, tiếng nhạc ỉ ôi, tiếng đọc văn khấn hòa lẫn trong làn khói hương cùng mùi tử thi làm cả không gian tôi đang ở rất ảm đảm. Đặc biệt là mùi tử thi xộc vào nhà, không ai có thể ăn nổi cơm, uống nước ở nhà mình.
Nhà bố mẹ vợ ở trung tâm thành phố, vào các dịp đó, vợ chồng tôi phải đưa con qua tạm lánh. Nhưng nhà tôi còn có nơi mà đi, nhiều hộ khác đành phải sống chung với mùi hôi, đến là tội nghiệp.
Chính vì vậy, bản thân tôi thấy, việc hỏa táng là văn minh, sạch sẽ và gọn đẹp nhất. Nếu cứ chôn cất người mất, sau đó lại sang cát cho người mất thì vừa rắc rối, mất thời gian mà tốn kém, gây ôi nhiễm cho môi trường.
Đành rằng, phong tục này đã có từ lâu nhưng chúng ta hãy nghĩ đến cuộc sống hiện tại, đến con cháu, đến việc sau này những ngôi mộ kia cũng phải đập bỏ, di dời. Còn nếu ai cứ khăng khăng đòi giữ tục chôn cất người chết, rồi tục sang cát cho người mất thì xin mời hãy đến sống gần nghĩa trang để chứng kiến những cảnh tượng không thể chịu được.
Bố mẹ tôi cũng dặn anh em tôi, khi ông bà mất thì hãy hỏa táng, một phần thả xuống sông, một phần mang đến chùa gửi. Bản thân tôi cũng sẽ dặn con cháu như vậy.
Đón chồng trở về từ nước ngoài, cô giáo nhận cái tát giữa sân bay
Thực hiện di nguyện của mẹ chồng, tôi đưa bà đi hỏa táng. Tuy nhiên, sau đó tôi bị cả họ nhà chồng mắng mỏ không ngớt.
Độc giả Nguyễn Nam