Đức Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa, người Ấn Độ, là một vị Tulku, tức là một bậc hóa thân hay còn gọi là Phật sống.

Các tin liên quan

Nhiếp Chính Vương nói về giáo dục trẻ


{keywords}
Đức Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa. (Ảnh: Drukpa Vietnam)

Theo các tài liệu của dòng truyền thừa Drukpa và Khamtrul, Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa là một trong hai hóa thân đời thứ 9 đang tại thế của bậc giác ngộ Khamtrul Rinpoche.

Đức Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa đản sinh năm 1981 trong dòng tộc của Đức pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, bậc lãnh đạo tối thượng của Truyền thừa phật giáo Đại thừa - Kim cương Thừa Drukpa.

Ngài đã tốt nghiệp Tiến sĩ Phật giáo loại xuất sắc tại Đại học Tự viện danh tiếng Tango, Vương quốc Bhutan. Ngài trứ danh với sở học cùng khả năng thuyết pháp uyên thâm song cũng vô cùng gần gũi, nhân văn của mình. Ngài đã được các Đức Dalai Lama, Đức Gyalwang Drukpa và Đức Thuksey Rinpoche đời thứ nhất ấn chứng.

Đức Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa từng 2 lần được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Drukpa Thường niên, nơi vân tập của chư Thượng sư và các hành giả Truyền thừa Drukpa trên toàn thế giới. Ngài cũng được Đức pháp vương tin cậy giao phó trách nhiệm giáo thọ chính và bậc hướng đạo tâm linh cho các đệ tử Truyền thừa tại các nước châu Á như Malaysia, Singapore, Việt Nam và các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hongkong.

Đức pháp vương mong nguyện rằng Nhiếp chính vương sẽ chia sẻ đại nguyện hoằng truyền giáo pháp với Ngài cùng chư Thượng sư Truyền thừa, thắp lên nguồn cảm hứng, ánh tuệ đăng giác ngộ cho những đệ tử và thế hệ trẻ ở khắp muôn nơi vì một thế giới an bình, tốt lành và hạnh phúc.

Đức Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa nổi tiếng với các Phật tử Việt Nam qua những giáo pháp và chia sẻ của Ngài được dịch sang tiếng Việt như Nghệ thuật sống an lạc, Tam thừa Phật giáo và Truyền thừa Tinh túy, Thực hành Bản tôn - Chân ngôn - Trí tuệ trong Kim Cương thừa (NXB Tôn giáo, 2011) và Nghệ thuật Mật giáo (NXB Mỹ thuật, 2010).

Đức nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa hiện đang có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam (từ ngày 9 đến ngày 26/4). Ngài sẽ chủ trì các Pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an và quán đỉnh cộng đồng tại các chùa lớn ở Hà Nội (chùa Trung Hậu), Phú Thọ (chùa Hoàng Long), Vĩnh Phúc (chùa Bảo Sơn, chùa Hà Tiên, chùa Vân Sơn, chùa Tây Thiên Phù Nghì, Tây Thiên Thiền tự, Đại Bảo tháp Tây Thiên), Đà Nẵng (chùa Nam Hải, chùa Phổ Quang). Ở TP.HCM là chùa Từ Quang, chùa Vĩnh Nghiêm, Quan Âm Tu viện.

Vào ngày 12/4, tại Đại Bảo tháp Tây Thiên, Vĩnh Phúc, ngài cử hành đại lễ quán đỉnh Changwa cầu siêu độ chư hương linh anh hùng chiến sĩ, đồng bào tử nạn.

Về chuyến hoằng pháp tại Việt Nam, Ngài Gyalwa Dokhampa nói: "Khi còn bé, tôi được đọc những câu chuyện rất cảm động về nỗi đau của người dân Việt Nam, khiến tôi cảm thông và xót thương. Lúc bấy giờ và cả bây giờ tôi cũng không biết làm gì hơn là cầu nguyện cho đất nước và người dân Việt Nam. Qua tháng năm, nhân duyên đấy dẫn tôi đến với đất nước của các bạn".

Truyền thừa Drukpa được hoằng truyền vào Việt Nam từ năm 1992 nương công đức của cố Hòa thượng Thích Viên Thành - Viện chủ chùa Hương với tâm nguyện đem sự thực hành của truyền thống Kim Cương thừa góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam vì lợi ích người dân trong nước.

Truyền thừa Drukpa nổi tiếng với sự thanh tịnh, đức chân tu khổ hạnh cùng những pháp tu trì thâm diệu thành tựu Phật quả ngay trong một đời như "Sáu pháp Yoga của Naropa", giáo pháp khẩu truyền tâm yếu "Đại thủ ấn", những giáo pháp thiền định đặc biệt như "Sáu pháp Vị bình đẳng", "Bảy pháp Duyên khởi". Qua vô số công hạnh lợi tha từ di sản 1.000 năm, các bậc Thượng sư giác ngộ của Truyền thừa Drukpa luôn hướng cuộc đời mình vì một cuộc sống an bình, từ bi và trí tuệ cho tất cả chúng sinh.

Theo lời mời của Giáo hội Phật giáo và sự thỉnh cầu của các đệ tử Việt Nam, Đức pháp vương, Nhiếp chính vương và Tăng đoàn Truyền thừa đã nhiều lần từ bi quang lâm ban truyền giáo pháp quán đỉnh và khơi nguồn cảm hứng giác ngộ vì lợi ích vô số người dân Việt Nam.

Thanh Hảo (Tổng hợp)