Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; với điều kiện thực tế hiện nay thì mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, bởi lẽ hợp tác liên kết mới tạo ra khu sản xuất tập trung, tạo cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trong để đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường, khắc phục được những tồn tại, nhược điểm mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện đang gặp phải.

Thực tiễn của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn là một hướng đi quan trọng, hiệu quả, đem đến những đổi thay về chất cho đời sống người dân, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của nông thôn. 

Bắt tay vào triển khai, tỉnh đã ban hành một loạt chính sách dọn đường: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Đề án xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020; Đề án Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà, giai đoạn 2017-2020; Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025;

Cùng với đó là các Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025 (OCOP); Đề án Phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… trong đó có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, các HTX, liên hiệp HTX, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, đầu tư cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hữu cơ; hình thành liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP. Đây là những định hướng, chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hiện nay như chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ sản xuất an toàn, hữu cơ (phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, chứng nhận GAP, Oganic), hỗ trợ ứng dụng công nhệ cao (nhà màng, nhà luới,…) được thực hiện thông qua các hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, đã hỗ trợ 132 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với tổng số vốn 82 tỷ đồng; bố trí trên 60 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014.

Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 42 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến sản phẩm (công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động; quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản an toàn theo VietGAP, hữu cơ; công nghệ xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản...); trong 76 sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên có 54 sản phẩm của 23 hợp tác xã được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 71%), đặc biệt có 02 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá 5 sao; có 58 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 29 hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn; 03 HTX (HTX chè La Bằng, HTX chè Khe Cốc, HTX chè Hảo Đạt) đã sử dụng các trang, sàn thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại; trên 50% số HTX nông nghiệp đã sử dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, tổ hợp tác đang được phân phối tại các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Với các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 406 hợp tác xã và 04 Liên hiệp hợp tác xã; 137/137 xã đều có ít nhất 01 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (một số xã có từ 3-5 HTX nông nghiệp cùng hoạt động). Trong đó, nhiều hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương, tiêu biểu như: Hợp tác xã Chè Hảo Đạt; Hợp tác xã Chè La Bằng, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc; Hợp tác xã Chè Tuyết Hương, Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh, Hợp tác xã rau an toàn Đông Cao, Hợp tác xã rau củ quả an toàn Dương Thành, Hợp tác xã rau an toàn Hùng Sơn, Hợp tác xã miến Việt Cường, … nhiều sản phẩm của các hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Nhờ tập trung khuyến khích tăng số lượng, quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã đã từng bước nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, qua đó đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như các vùng sản xuất chè VietGAP, hữu cơ, vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, vùng sản xuất cây ăn quả, vùng chăn nuôi gà đồi; qua đó góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay toàn tỉnh có 76% số xã đạt chuẩn NTM; 33,33% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM; trên 87,6% số xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất; năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,7 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3,81 lần so với năm 2010); diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi rõ nét, văn hoá phát triển, môi trường được bảo vệ, an ninh chính trị ổn định.

Yến Hưng