Loài người luôn mơ ước được sở hữu siêu năng lực như tàng hình, biết bay lượn hoặc có một cặp mắt phát ra tia laze giống như các siêu anh hùng. Những tưởng những siêu năng lực nói trên chỉ tồn tại trong truyện tranh hay phim ảnh Hollywood, tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong công nghệ sinh học đang dần biến ước mơ của con người trở thành sự thực.
Mới đây nhất, một nhóm nghiên cứu tại Đại học California Irvine (UCI), Mỹ, đã chuyển đổi thành công tế bào con người, giúp các tế bào này có thể 'ngụy trang' như một số loài sinh vật biển. Đây là thử nghiệm nhằm phát triển các hệ thống tế bào và mô ở người với các đặc tính có thể kiểm soát để truyền, phản xạ và hấp thụ ánh sáng.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Communications vào ngày 2/6 được đánh giá là có thể mở ra cánh cửa để con người sở hữu năng lực 'tàng hình'.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications, các loài sinh vật biển như bạch tuộc, mực và các loài động vật thân mềm khác sở hữu cơ chế ‘ngụy trang chủ động’ rất đặc biệt. Da của chúng có chứa các tế bào bạch cầu, bao gồm các phân tử protein được gọi là Reflins, vốn có thể tán xạ ánh sáng và tạo ra sự ngụy trang óng ánh. Nhờ đó, các loài sinh vật trên có thể thay đổi màu sắc hoặc chuyển sang dạng trong suốt, giúp chúng dễ dàng trà trộn vào môi trường xung quanh để lẩn trốn hoặc săn mồi.
Để nghiên cứu kĩ hơn, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích một loài mực ống có tên khoa học là Doryteuthis opalescens. Loài mực này có khả năng ngụy trang đặc biệt nhờ vào các tế bào phản xạ chuyên biệt gọi là tế bào leucophore chứa các protein Reflins, giúp chúng có khả năng trở nên vô hình bằng cách phản chiếu màu sắc của môi trường xung quanh.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học California Irvine đã sử dụng kỹ thuật di truyền, tiến hành cấy ghép loại protein Reflins vào tế bào thận của con người. Những tế bào này sau đó được nuôi cấy và kiểm tra dưới kính hiển vi.
Kết quả cho thấy, các tế bào người được chứng minh là có khả năng tán xạ ánh sáng giống như ở mực. Các protein Reflins trong các tế bào được cấy ghép đã thay đổi cách tế bào tán xạ ánh sáng, điều mà các tế bào thận không có Reflin không làm được.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy các tế bào không chỉ chuyển hóa protein Reflins, mà còn tập hợp những protein này trong các cấu trúc nano hình cầu và phân phối chúng tới khắp nơi trong tế bào", Gorodetsky, đồng tác giả nghiên cứu cho biết. Ông cũng nhấn mạnh cơ chế của tế bào người đã hoạt động gần như cách các loài mực và bạch tuộc thường ngụy trang.
Nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra liệu các tế bào có thể tự khởi động khả năng ngụy trang này bằng cách để tế bào vào 2 tấm kính được tráng bằng muối nhưng ở nồng độ khác nhau. Kết quả kiểm tra cho thấy, các tế bào tiếp xúc nhiều với natri clorua tán xạ nhiều ánh sáng hơn và nổi bật hơn so với môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu đột phá này chỉ áp dụng giới hạn trong kỹ thuật hiển vi y học và sinh học trong phòng thí nghiệm. Để có thể thực hiện được mong muốn sở hữu siêu năng lực tàng hình, loài người chắc chắn sẽ phải chờ đợi một thời gian rất dài nữa.
Theo GenK