"Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam" là hội nghị đầu tiên về công nghiệp văn hoá ở quy mô toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ gợi mở, giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) nghiên cứu, tham mưu, chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức với lời căn dặn “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên”. 

Mục tiêu đóng góp 7% GDP 

Trong hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. 

z4997929296103 e796df50a246809b2532588d0df81983.jpg
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Nhìn lại chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam (Chiến lược 1755), với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá vào GDP: Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược 1755 thì năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 44 tỷ USD.

Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7-2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.

“So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển”, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. 

Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế.  Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng xuất hiện nhiều hơn. 

Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam: Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành Thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt - Thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An - Thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian.

Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Công ước 2005 bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá của UNESCO được thông qua năm 2005, có hiệu lực từ tháng 3/2007. Với tư cách là thành viên có trách nhiệm của UNESCO, Việt Nam đã thể hiện sự đóng góp tích cực bằng hành động thông qua việc ban hành Chiến lược 1755; trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ (2011-2015). Ngày 22/11/2023, Việt Nam đã trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu cao.

Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hoá - 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hoá đối với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên báo cáo của Bộ VHTT&DL cũng chỉ ra nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn mang tính dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành công nghiệp văn hóa có phạm trù lớn, bao gồm đa ngành, nhiều lĩnh vực có nội hàm rộng nhưng chưa được cụ thể hoá nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam hiện nay chưa đưa được hết các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, đầu tư tài chính cho văn hóa từng bước được nâng lên nhưng vẫn thấp hơn so với nhu cầu.

Bộ VHTT&DL hướng tới mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao, hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm như tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Một số giải pháp được đưa ra: Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực, tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn…

Không để bị "xâm lăng văn hóa"

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: "Ở hội nghị này, chúng ta lắng nghe các nhà sáng tạo văn hóa, các doanh nghiệp cần gì để đáp ứng hoặc có những việc không nên làm hoặc bớt đi để giảm gánh nặng cho họ. Lĩnh vực này ít phải kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm mà bài toán nằm ở chỗ chúng ta có dám cho làm không".

z4998630164645 0d82bb15bcd33e90433561a99edbed11.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm, Việt Nam cần có những công cụ đo đếm thống nhất bằng cả phương pháp về kinh tế và công nghệ để thực sự đo đếm và quan sát đầy đủ lĩnh vực này. Hiện nay, bên cạnh lực lượng chính thống chúng ta quan sát và quản lý được thì có một lực lượng sáng tạo nội dung trên mạng mang về doanh thu lớn.  

"Chúng ta chỉ nhìn vào số thu thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thông báo năm nay, riêng các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được 8.000 tỷ. Như vậy chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ".

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, trong chuyển đổi số phải dùng cả công nghệ và các phương pháp khác để quan sát được đầy đủ lĩnh vực này, có bộ đo chính thức, chính xác, đầy đủ và không nhầm. Bên cạnh đó, cần sớm có phương thức và mô hình phát triển. Mặc dù trong báo cáo của Bộ VHTT&DL có rất nhiều nội dung và chi tiết nhưng chúng ta còn thiếu phần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế dù các nước xung quanh có rất nhiều tương đồng về văn hóa, cách làm, xuất phát điểm để tham khảo. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề cập tới vấn đề "xâm lăng văn hóa". Theo ông, hiện nay các gia đình đều xem YouTube, các kênh nước ngoài dễ hơn Truyền hình Việt Nam. Để lập lại trật tự và cân bằng ở lĩnh vực này, từ năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tất cả các nền tảng tivi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình. 

“Tới đây nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ VHTT&DL sẽ phối hợp đề xuất cài sẵn ứng dụng nền tảng OTT lên các sản phẩm thiết bị thông minh. Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của Bộ Công Thương ở lĩnh vực này. 

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm đề xuất một số thể chế, đặc biệt trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Báo chí lần này đưa chính sách xuất khẩu các sản phẩm văn hóa thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình trên không gian số”, ông Nguyễn Thanh Lâm kiến nghị.

Việt Nam có khả năng lọt top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới

Trong hội nghị sáng nay, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD chia sẻ mong muốn về một số chính sách mà Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam để có thể phát triển công nghiệp điện ảnh và nội dung số trở thành lĩnh vực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hoá tại Việt Nam.

z4998630180765 2d5bac31ace97e945f1be656ae3a4e8f.jpg
Bà Ngô Thị Bích Hạnh (trái), Tổng Giám đốc BHD.

Theo bà Bích Hạnh, công nghiệp văn hoá vẫn là một thứ rất mới với Việt Nam. “Hiện tại tổng quan thị trường điện ảnh, các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần, so với các nước trong khu vực tỷ lệ này khoảng 70-90%. Doanh thu phim Việt khoảng từ 18-33%, so với Hàn Quốc, Trung Quốc là 50-70%. Tỷ lệ bán vé trong những năm gần đây của Việt Nam tăng 20-40%. Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Khi Việt Nam lọt vào nhóm đó tỷ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài? Chính sách của Nhà nước rất quan trọng hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển.

Năm nay là cơ hội cho điện ảnh, công nghiệp sáng tạo nội dung châu Á. Người Việt Nam sẽ có cơ hội xem nhiều phim Việt Nam hơn khi công nghiệp văn hóa phát triển”, bà Bích Hạnh chia sẻ.

Bà Bích Hạnh cũng nêu quan điểm cần coi trọng luật pháp và sản phẩm văn hóa, bản quyền, vấn đề khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa, đẩy nhanh về thủ tục hành chính. 

Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hà Nội Grapevine cũng bày tỏ, không gian sáng tạo ở Việt Nam là mô hình hết sức năng động, đa dạng, linh hoạt và cởi mở kết nối giữa văn hóa nghệ thuật, kinh doanh và công nghệ nhằm giới thiệu tài năng, sản phẩm, ý tưởng sáng tạo đến với công chúng.

Không gian sáng tạo ở Việt Nam giúp cải tạo cảnh quan của khu vực, giúp giảm bớt các vấn đề như ô nhiễm rác thải cũng như tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, không gian sáng tạo vẫn khó khăn về hạn mức chi thấp hay nghĩa vụ đóng thuế như doanh nghiệp thông thường khác dù nhiều không gian sáng tạo đang hoạt động theo mô hình kinh doanh phi lợi nhuận.

Bà cũng mong muốn những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không gian sáng tạo có thể được hỗ trợ miễn, giảm thuế trong một vài năm. Bà Trương Uyên Ly tin rằng, với những hành động quyết liệt và tiềm lực của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp sáng tạo của Đông Nam Á và của cả châu Á.

Dành gói tín dụng ưu đãi 20-30 nghìn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị; giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị.

Để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác...

Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…).

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng) cho phát triển công nghiệp văn hóa. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hội nghị không thể giải quyết tất cả vấn đề đặt ra nhưng đây là cơ sở để các cấp, các đơn vị vững tin, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Ảnh: Nhật Bắc