Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ Tân Phú Nông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, hiện có hơn 100ha cà phê trồng theo hướng cảnh quan. Theo ông Trần Hữu Trung, Giám đốc HTX, ngay từ khi thành lập, HTX đã đặt mục tiêu xây dựng mô hình cà phê cảnh quan. Thời gian qua, các đoàn chuyên gia của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam đã đến HTX khảo sát để hỗ trợ xây dựng mô hình cà phê cảnh quan bền vững kết hợp du lịch.
“Cà phê cảnh quan phát triển theo mô hình 3 tầng, mà lợi thế của HTX đang trồng cà phê xen tiêu, cây ăn quả. Hiện tầng cỏ đang được nuôi dưỡng rất tốt, cà phê không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học chỉ sử dụng đạm cá, đậu nành… vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, cây lại phát triển tốt cho năng suất cao. Cà phê cảnh quan kết hợp du lịch là mô hình hay, phù hợp với định hướng phát triển của HTX”, ông Trung chia sẻ.
Sẵn lợi thế, toàn bộ diện tích 250 ha cà phê của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đăk Nông tại xã Đắk R’Moan, TP. Gia Nghĩa cũng là đơn vị được dự án VnSAT chọn triển khai mô hình cà phê cảnh quan kết hợp du lịch.
Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX cho rằng, hiện HTX có lợi thế là đơn vị đang sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, nên việc triển khai ý tưởng kết hợp với du lịch sẽ khả thi. Hiện nay, thị trường nội địa còn nhiều dư địa nhất là dòng cà phê hữu cơ, chất lượng cao. Vì vậy, thời gian tới HTX xác định sẽ chế biến, đóng gói, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cà phê hữu cơ tại thị trường nội địa thông qua các hệ thống siêu thị, hội chợ, trang thương mại điện tử... để đưa sản phẩm hữu cơ, chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng.
“Phát triển cà phê cảnh quan kết hợp du lịch nếu được triển khai tốt sẽ có sức lan tỏa lớn. Bởi mỗi người dân đến tham quan có thể giúp truyền thông, marketing, quảng bá đến nhiều nơi khác mà họ đến”, ông Thạch khẳng định.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm cà phê khi khách đến thăm quan du lịch, dự án VnSAT đã phối hợp với Công ty Golden Bean (Shin cà phê) sản xuất ra bộ sản phẩm mang thương hiệu Lanscape Coffe với mẫu mã bao bì đẹp mắt và mức giá dao động từ 3 - 10 USD/ sản phẩm. Những sản phẩm này sẽ được trưng bày ngay tại không gian trải nghiệm và nếm thử cà phê của 2 hợp tác xã VnSAT - Đăk Nông.
Bà Vũ Lê Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Cỏ May cho biết, đơn vị đã lên phương án xây dựng sản phẩm du lịch cà phê từ năm 2015. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua công ty chưa tìm được điểm đến nào có đầy đủ các yếu tố thu hút khách du lịch với nhiều trải nghiệm thú vị như các vườn cà phê cảnh quan của dự án VnSAT. Điều khó khăn lớn nhất mà các khu vườn này đang gặp phải đó là giao thông đến vườn còn khá chật chội và xe 45 chỗ chở khách đoàn phải dừng ngoài lộ và thả khách đị bộ khá xa vaò trải nghiệm vườn.
Theo ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Dự án VnSAT Đắk Nông: “Các mô hình đã giúp người dân tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mô hình cũng mở ra hướng phát triển mới là vừa làm nông nghiệp, vừa phát triển du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập. Về du lịch, mô hình sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Ngoài thưởng thức cà phê, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, được giới thiệu về văn hóa sản xuất cà phê của người dân địa phương. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX đầu tư hạ tầng, kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất cà phê kết hợp du lịch".
Doãn Phong