Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) là một Chương trình mang tính tổng thể gồm 10 Dự án do 23 bộ, ngành cùng quản lý, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đặc biệt, Dự án 9 thuộc Chương trình nhằm mục miêu xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng...

Đời sống của đồng bào Lô Lô đã có nhiều đổi thay

Cao Bằng là một trong những tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, chiếm 94,88%, với 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có dân tộc Lô Lô là dân tộc thiểu số rất ít người, chiếm 0,54% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Lô Lô ở tỉnh Cao Bằng có 536 hộ với 2.773 nhân khẩu sinh sống chủ yếu tại 9 xóm thuộc 4 xã vùng đặc biệt khó khăn của 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc, đây là các huyện vùng cao, biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Cao Bằng. 

Dân tộc Lô Lô thường cư trú chủ yếu ở vùng cao xa xôi, hẻo lánh, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, vào mùa mưa thì lũ quét, mùa khô không có nước nên nhiều xóm rất khó khăn về điện, nước sinh hoạt và sản xuất, đường giao thông đi lại khó khăn. Diện tích đất canh tác nông, lâm nghiệp ít, bạc màu, nghèo dinh dưỡng chỉ có hơn 243 ha. Trong đó diện tích trồng lúa hơn 53 ha, diện tích nương rẫy hơn 190 ha, chủ yếu trồng ngô, lúa.

W-dantoclolo.png
Người Lô Lô trên cao nguyên đá

Trình độ dân trí đồng bào dân tộc Lô Lô còn thấp, tỷ lệ mù chữ cao, còn nhiều tập quán và hủ tục lạc hậu. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) sản suất manh mún mang tính tự cung tự cấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được chú trọng, dẫn đến năng suất thấp, chăn nuôi chủ yếu nuôi trâu bò để lấy sức kéo và nuôi gia cầm để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm hàng ngày, rất ít để trao đổi hàng hóa, nên đời sống dân tộc Lô Lô còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Lô Lô chiếm trên 55,62%, tốc độ giảm nghèo là 5% so với năm 2021.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chính sách, chương trình dự án hỗ trợ đồng bào Lô Lô như Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 2089/QĐ-TTG của Thủ tướng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Quyết định số 1914/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Lô Lô theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Đến nay, đời sống của đồng bào Lô Lô đã có nhiều đổi thay. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã cơ bản được hoàn thiện, trường học các cấp được xây mới, trạm y tế đảm bảo trang thiết bị khám bệnh cho người dân; nhiều hộ được cấp bể nước sạch sinh hoạt; các công trình giao thông nông thôn, nhà công vụ giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng. Từ các nguồn vốn của Trung ương đã thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại 9 xóm, trọng điểm là 3 xóm Khau Trang, xã Hồng Trị; Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); Cà Đổng, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm).

Triển khai nhiều chính sách như: hỗ trợ mở rộng diện tích trồng lúa nước và phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng sắn; khuyến khích trồng cây sa mộc, hổi; hỗ trợ di rời chuồng trại; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bảo Lô Lô hơn 01 triệu cây giống có giá trị kinh tế cao (cây quế, cây hồi và cây sở); 354 con bò cái sinh sản 167 cái chuồng trại. Hỗ trợ trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng, gồm: Mua tăng âm, loa truyền thanh thu phát, hỗ trợ thành lập và duy trì đội văn nghệ và hỗ trợ khôi phục sản xuất nhạc cụ, trang phục dân tộc cho 11 xóm Tổ chức 02 lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô, mở 07 lớp dạy tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu.

Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào Rơ Măm

Người Rơ Măm ở Kon Tum là một trong 5 dân tộc thiểu số rất ít người trong cả nước, có số dân dưới 1.000 người.

Đồng bào Rơ Măm chủ yếu cư trú ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Dân tộc Rơ Măm tại làng Le có 177 hộ/617 khẩu; chiếm tỷ lệ 70,4% số hộ dân sinh sống tại làng; trong đó hộ nghèo dân tộc Rơ Măm có 53 hộ; hộ cận nghèo có 28 hộ (thống kê cuối năm 2021, theo tiêu chí tiếp cận đa chiều).

Trước đây, người Rơ Măm đời sống khó khăn, giao thông còn nhiều cách trở, bà con sống tập trung, ít giao lưu, tiếp xúc với các thôn, làng khác trên địa bàn. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với phương thức còn lạc hậu. Người Rơ Măm trồng lúa nếp là chính, thêm một ít lúa tẻ, ngô và sắn. Họ sử dụng dao phát, rìu để đốn hạ cây, dùng lửa để đốt dọn rẫy, khi gieo trỉa dùng hai gậy chọc lỗ và một ống đựng hạt. Chính phương thức canh tác lạc hậu này nên năng suất thấp khiến đời sống của đồng bào luôn trong tình trạng khó khăn, đói kém. 

Nhằm duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào Rơ Măm, ngày 10/12/2023, HĐND tỉnh Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 81/NQ-HĐND phê duyệt Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy thuộc đối tượng đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Theo thông tin trong Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng của Làng Le đã được đầu tư cơ bản, các trục giao thông chính trong Làng đã đảm bảo cứng hóa, giao thông thông suốt đến trung tâm xã, huyện, tỉnh. Hệ thống lưới điện đã đến tận thôn, làng, hộ dân. Hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất đã được đầu tư phục vụ đời sống và sản xuất người dân.

Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư Trung ương phân bổ còn quá thấp so với nhu cầu theo thực tế nên việc thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ không đồng bộ và không đạt mục tiêu đề ra. Hiện nay, nội dung xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng Làng Le mới thực hiện được 2/19 danh mục so với Đề án được phê duyệt.

Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cùng đại diện UBND huyện Sa Thầy, xã Mô Rai và Làng Le đã khảo sát nhu cầu xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Kết quả rà soát cho thấy, Làng Le đang cần được đầu tư các hạng mục: Nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đường nội thôn; Nâng cấp, sửa chữa nhà Rông văn hoá; Đường đi khu sản xuất nối tiếp giai đoạn I đến đập thuỷ lợi Ya Roong; Bê tông đường đi khu sản xuất Ya Toác; Nâng cấp, sửa chữa thuỷ lợi Ya Lân; Xây mới thuỷ lợi Ya Roong Yang.

Nghị quyết vừa được ban hành của HĐND tỉnh Kon Tum sẽ là căn cứ để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9, trong đó có nội dung đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thực tế của đồng bào Rơ Măm ở Làng Le, góp phần phục vụ lợi ích thiết thực cho đồng bào vùng hưởng lợi.

Linh Trang và nhóm PV, BTV