Ngày 21/12, Cục hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức hội thảo Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, trực tuyến các đầu cầu quốc tế và địa phương liên quan. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ kế hoạch xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Tham dự sự kiện này có lãnh đạo các sở văn hóa, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các hiệp hội, các thành phố tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và công nghiệp văn hóa.
Hội thảo thu hút được các chuyên gia trong và ngoài nước, các nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực. |
Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Các thành phố của mạng lưới đến từ tất cả châu lục và khu vực có mức thu nhập và dân số khác nhau, cùng nhau hướng tới một sứ mệnh chung, đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong việc phát triển đô thị để tiến tới các thành phố an toàn, hội nhập và phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về Phát triển bền vững.
Mạng lưới Thành phố sáng tạo hướng tới 7 lĩnh vực: Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Nghệ thuật Truyền thông, Phim, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học và Âm nhạc. Hiện nay, đã có 246 thành phố tham gia Mạng lưới này và cùng hướng tới một mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.
Tại Việt Nam có một số thành phố, đô thị như TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới này.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra các kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn lĩnh vực, hạng mục, thế mạnh để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo, cũng như đánh giá tiềm năng, lợi thế về sáng tạo và tính khả thi của việc hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh. |
Bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá: Với lực lượng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tập trung khá lớn, lượng công chúng đông, lượng phim điện ảnh sản xuất hàng năm lớn, nền tảng khoa học kỹ thuật và lực lượng sáng tác dồi dào, doanh số chiếm 70% doanh thu điện ảnh…, TP.HCM có lợi thế, tiềm năng để trở thành thành phố điện ảnh của Việt Nam, sớm gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. |
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ ý kiến, các thành phố tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là xu hướng phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, đây là câu chuyện vô cùng phức tạp chứ không hề đơn giản, dễ dàng như chúng ta nghĩ. Bởi, xây dựng thương hiệu thành phố sẽ làm thay đổi tư duy phát triển của thành phố, đô thị.
"Thành phố nhỏ thì dễ lựa chọn các lĩnh vực tham gia hơn là thành phố lớn. Chính vì thế, các thành phố cần lựa chọn lĩnh vực thế mạnh, hạng mục cụ thể để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo. Đây sẽ là yếu tố dẫn dắt thành phố phát triển trong thời gian tới cũng như việc xây dựng nên thương hiệu thành phố sẽ làm thay đổi hoàn toàn tư duy phát triển của một thành phố", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cảnh báo việc lựa chọn lĩnh vực nào làm tiêu chí thành phố sáng tạo cũng phải hết sức thận trọng. Nên chọn lĩnh vực tham gia là tương lai của đô thị chứ không phải chọn lĩnh vực đang nổi. "Phải coi chuyện này là quan trọng và nghiêm trọng nó còn mang tính cộng đồng, làm thay đổi bộ mặt thành phố, thổi luồng gió tới tất cả tế bào của thành phố", ông Sơn nhận xét.
Tình Lê