Quảng Bình là tỉnh có bờ biển dài gần 120 km, có nhiều vùng biển như vịnh Hòn La, Đảo Yến ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch diện tích mặt nước rộng, nước biển êm, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển). 

W-nuoibien.png
Những năm gần đây, người dân xã Quảng Đông tập trung phát triển các mô hình nuôi biển có giá trị kinh tế cao

Nhằm đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi trồng thủy sản nước mặn có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, từ năm 2022, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ đầu tư mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Đây là mô hình nuôi cá bớp trên biển đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.

Ông Cao Minh Thái và Tưởng Văn Thịnh là 2 hộ đầu tiên triển khai với quy mô 1 lồng có thể tích 500m3. Ban đầu, cá giống có kích cỡ 25 - 30cm/con, mật độ thả 3 con/m3, số lượng giống thả 1.500con/lồng.

Sau 6 tháng nuôi, cá bớp sinh trưởng tốt, không xảy ra dịch bệnh, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 10 tấn. Trọng lượng trung bình đạt 3,5 - 4kg/con, giá bán khoảng 200.000đ/kg cho doanh thu trên 2 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộ nuôi lãi khoảng gần 200 triệu đồng.

Còn vào vụ nuôi biển năm nay, hai hộ anh Lê Đức Hậu, Nguyễn Đình Uynh được hỗ trợ nuôi mô hình cá bớp với 6 lồng nuôi, mỗi lồng có diện tích 12m2 được kết cấu giàn quây lưới và phao nổi bằng công nghệ Na Uy. Lưới bao xung quanh có chiều sâu xuống đáy biển khoảng 5m. Cá bớp giống (có trọng lượng khoảng 0,5 kg/con), được thả xuống với mật độ 240 con/lồng bè.

Theo các hộ nuôi, sản lượng của 6 lồng nuôi khoảng trên 1,2 tấn cá thương phẩm. Giá thương lái mua tại thời điểm này hiện là 200 ngàn đồng/kg, sẽ cho doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí như nhân công, thức ăn, giống, vật liệu làm phao… phần lãi thu về khoảng 200 triệu đồng.

Theo anh Lê Đức Hậu, trong quá trình thực hiện mô hình, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã cử chuyên viên chỉ đạo, giám sát. Hàng tháng sẽ kiểm tra thực tế, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi và kiểm tra chất lượng, thức ăn, vật tư thiết bị và tốc độ phát triển của cá. 

Vì nuôi cá sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn tươi sống, có thể làm cho lồng nuôi dễ bị ô nhiễm nên cần phải quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hàng ngày. Thường xuyên kiểm tra vớt bỏ toàn bộ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm môi trường nước. 

Được biết, mô hình nuôi cá bớp trên biển đã giải quyết việc làm, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi bởi sản phẩm có giá bán cao, nhu cầu lớn, thị trường tiêu thụ rộng. 

Bên cạnh nuôi cá bớp, mô hình nuôi nhuyễn thể (ốc hương và sò lụa) trên biển cũng đem lại hiệu quả kinh tế. 

Trong đó, nuôi sò lụa đang được người dân áp dụng với diện tích nuôi trồng hơn 10ha. Sò lụa giống được mua của ngư dân khai thác về. Từ tháng 3 âm lịch, người dân bắt đầu thả giống và sau 1 năm thì cho thu hoạch. Sò lụa được nhập bán chủ yếu tại thị trường Trung Quốc với giá dao động từ 65 - 90 nghìn đồng/kg, nếu thuận lợi thì mỗi gia đình cũng có hơn trăm triệu đồng.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản cũng hỗ trợ cho một số hộ dân nuôi ốc hương bằng hình thức vây lưới với diện tích 9.000m2 trên vùng biển ven bờ. Sau thời gian thử nghiệm, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho lợi nhuận tương đối cao. 

Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên nghề nuôi biển tại xã Quảng Đông hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu gây thiên tai, mưa bão và nước biển dâng; dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất của vụ nuôi; tình trạng xả thải, rác ra biển gây ô nhiễm môi trường sống của hải sản; cơ sở hạ tầng để vận chuyển thức ăn cũng như sản phẩm vào bờ chưa có; việc tiêu thụ các loài nhuyễn thể vẫn còn dựa vào thị trường Trung Quốc nên rất bấp bênh, bị động… 

Để phát triển nghề nuôi biển ở xã Quảng Đông, Chi cục Thủy sản Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá bớp và nhuyễn thể cho người dân. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm khuyến khích người dân tiếp tục nhân rộng và phát triển nuôi biển.

Hiện, tại vùng biển ven biển Vũng Chùa - Đảo Yến đã có nhiều hộ dân liên kết để nuôi trồng thuỷ sản. Bà con cũng mong muốn chính quyền sớm ban hành chính sách về quy hoạch, phân bổ diện tích và hỗ trợ kỹ thuật để mở rộng diện tích mặt nước và đối tượng nuôi mới.

Đỗ Hồng Khanh, Nguyễn Thị Diệu Bình