Quang cảnh tập huấn Nâng cao kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới Quảng Ninh 2023.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Đồng thời có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hoá đơn điện tử...

Để đạt được phát triển thương mại như mục tiêu năm 2023 đề ra, Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với những chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, cũng như TMĐT xuyên biên giới.

Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, gặp gỡ đã được tổ chức liên tục trong thời gian qua đem lại những cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp còn non trẻ đối với TMĐT trên địa bàn.

Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh.

Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đã thấy được sự lợi ích từ TMĐT đã hưởng ứng tích cực.

Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã và đang tập trung đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bán hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, qua đó giúp phát triển kinh doanh.

Anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Rui (huyện Tiên Yên) quảng bá sản phẩm trứng vịt biển qua các kênh bán hàng online.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 156 website về TMĐT. Trong đó có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch TMĐT. Tính đến nay, sàn TMĐT OCOP tỉnh đang giới thiệu 535 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 322/336 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (tương đương 96% sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh).

Số lượng khách truy cập từ đầu năm 2023 đến nay là khoảng 180.016 nghìn lượt truy cập. Số lượng đơn hàng trong 10 tháng đầu năm 2023 là 328 đơn. Sản phẩm có sức tiêu thụ tốt gồm: Trà hoa vàng (Ba Chẽ), miến dong Bình Liêu, ruốc hàu... Tất cả sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3-5 sao) được đưa lên các sàn TMĐT đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài kênh TMĐT ocop.com.vn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều cuộc kết nối, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên các kênh TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso… Trên thực tế, đây đều là những kênh phân phối có uy tín, có lượt tiếp cận cao, giúp thúc đẩy và tăng hiệu quả hoạt động thương mại của các đơn vị.

Cùng với việc đẩy mạnh sàn giao dịch TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử cũng diễn ra sôi động trên địa bàn toàn tỉnh.

Tính đến nay, tại 13/13 địa phương đều đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I trên địa bàn. Việc thanh toán số khi đi chợ hay tại trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm ở Quảng Ninh đã trở thành thói quen của người dân và khách du lịch.

Phát triển TMĐT là hiệu quả đã được chứng minh trong suốt gần 2 năm qua từ khi thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn Quảng Ninh.

Chứng minh là tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 5,2% năm 2021 và được nâng lên mức 8% năm 2022. Năm 2023 dự kiến kinh tế số của Quảng Ninh sẽ chiếm 12% GRDP.

Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Tạ Thị Hân (xã Đông Ngũ, Tiên Yên) triển khai quét mã QR tạo thuận lợi cho khách hàng.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chuyển đổi số toàn diện, cùng với những kết quả đã đạt được trong phát triển TMĐT sẽ là cơ sở để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP của tỉnh. 

Theo Ngọc Trâm (Báo Quảng Ninh)