Cần Giờ là huyện ngoại thành ven biển duy nhất của TP Hồ Chí Minh, có rừng ngập mặn và mặt nước biển, là lợi thế để sử dụng cho khai thác và nuôi trồng thủy sản… 

Tháng 8/2022, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết phát triển thủy sản và Chiến lược phát triển thủy sản huyện Cần Giờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung là phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển thủy sản huyện Cần Giờ trở thành ngành kinh tế hiện đại, bền vững; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện Cần Giờ đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ triển khai cụ thể, trong đó huyện chú trọng vào nhiệm vụ tổ chức sản xuất thủy sản, chế biến thủy sản.  

W-Cảng cá An Thới Phú Quốc, KIên Giang 3 used biển cần giờ.JPG.jpg
Cần Giờ xác định, ngành thủy sản vẫn là ngành kinh tế chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân, cho biết, ngành thủy sản là ngành kinh tế chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Thời gian qua, huyện tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và Nghị quyết phát triển thủy sản đến năm 2030. 

Những năm qua, ngư dân Cần Giờ luôn kiên trì ra khơi bám biển, góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 683 phương tiện tàu cá đồng loạt vươn khơi bám biển, sản lượng khai thác thuỷ sản ngày càng được nâng lên. 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng ngành thủy sản của huyện đạt hơn 42.300 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, nghề nuôi trồng thủy sản có nhiều mô hình nuôi mới, diện tích sản xuất tiếp tục duy trì trên 4.500 ha. Ngoài các mô hình nuôi thủy sản truyền thống thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì trên địa bàn huyện đang phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng thu hoạch đạt hơn 30.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ.

Mô hình nuôi công nghệ cao tiếp tục phát triển, đến nay có hơn 300 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tăng 30 ha so năm trước, năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha/năm, cao gấp 6 lần so với mô hình nuôi thâm canh truyền thống, đóng góp mạnh mẽ vào sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, đến nay, huyện có 53 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, trong đó có nhiều sản phẩm thuỷ sản như khô cá dứa, tôm thẻ chân trắng,… Đồng thời, huyện cũng đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Cần Giờ cho sản phẩm tôm nước lợ, hàu... 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cần Giờ có 66 cơ sở chế biến thủy hải sản, với 240 lao động. Trong đó, chế biển sản phẩm khô cá dứa một nắng chiếm 20% tổng sản lượng.

Với khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận vào năm 2000, Cần Giờ còn được ví là lá phổi xanh của thành phố, cộng với các địa danh nổi tiếng như rừng Sác, đảo khỉ,… và là huyện duyên hải duy nhất của thành phố nhìn ra biển Đông, bên cạnh phát triển ngành thuỷ sản, huyện cũng được định hướng trở thành thành phố du lịch sinh thái, trung tâm kinh tế biển trực thuộc TP Hồ Chí Minh. 

Nghị quyết 12-NQ/TU năm 2022 của Thành ủy Thành phố HCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 xác định rõ: Đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực, chính vì vậy, hiện nay, huyện tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thành và triển khai đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển huyện trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường.

Theo đó, Cần Giờ sẽ tập trung quản lý, bảo vệ, chăm sóc, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển; từng bước định hình và thúc đẩy các ngành kinh tế chủ lực; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành các loại hình dịch vụ, dịch vụ phụ trợ kinh tế biển như phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp, sinh thái biển…