Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến các nước đứng trước nguy cơ thiếu điện.

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) mới đây, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển dịch năng lượng, hướng đến năng lượng xanh trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong quá trình này là điều không dễ.

{keywords}
Kiểm tra công tác cung ứng điện tại Trạm bơm Cổ Đam, xã Yên Phương (Ý Yên, Nam Định).

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phát triển triệt để các nguồn năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu nhưng cũng cần cân nhắc đến các vấn đề về đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện và đảm bảo giá điện ở mức chấp nhận được, có khả năng chi trả.

Điều này đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Phương án phát triển và huy động các nguồn điện này cần được thực hiện với các giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, cần đảm bảo tiến độ các dự án, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.

Thứ hai, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo.

Thứ ba, phát triển hợp lý các nguồn điện truyền thống với tỷ trọng phù hợp để đảm bảo cung ứng điện.

Thứ tư, phát triển các nguồn điện linh hoạt có thể đáp ứng nhanh chóng với các thay đổi về công suất phát điện năng lượng tái tạo và diễn biến phụ tải điện.

Thứ năm, triển khai mạnh mẽ các giải pháp quản lý, tiết giảm nhu cầu điện thông qua các chương trình quản lý nhu cầu, điều chỉnh phụ tải.

Thứ sáu, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai nhập khẩu điện.

Vĩnh Sang