Mới đây, Tỉnh ủy Nam Định phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ về “Xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc cho hay, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thực hiện các giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế biển.
Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định. Hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương vùng ven biển luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Công tác quy hoạch được tích cực triển khai, làm định hướng cho phát triển vùng ven biển. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng ven biển nói riêng. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định mong muốn, hội thảo sẽ đánh giá có chiều sâu, toàn diện cơ hội phát triển kinh tế ven biển tỉnh Nam Định hiện nay và những năm tiếp theo. Đây là cơ sở quan trọng, cần thiết để thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp hữu hiệu phát triển kinh tế; tạo động lực để Nam Định phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, trong những năm qua, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Nam Định đã triển khai thực hiện một số giải pháp có tính đột phá, giúp kinh tế biển phát triển vượt bậc, tiềm năng được phát huy khá toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ông cho rằng Nam Định cần xác định kinh tế biển là điều kiện phát triển quan trọng của địa phương, tập trung quy hoạch đồng bộ vùng kinh tế biển, ven biển. Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, tạo khởi sắc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo sự chuyển biến toàn diện về kinh tế biển tại địa phương.
Tham dự hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cũng phân tích các điều kiện để phát triển vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định như: cơ sở hạ tầng, tổ chức bộ máy, lựa chọn ngành kinh tế biển, liên kết vùng gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó thiên tai, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống, giúp người dân bám biển làm kinh tế, tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển.
Đồng thời, các đại biểu cũng trình bày nhiều tham luận đưa ra những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển vùng kinh tế biển phù hợp đặc thù, tiềm năng của tỉnh Nam Định.
Nam Định có bờ biển dài 72km với 3 huyện giáp biển gồm Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển tại Nam Định ngày càng được quan tâm đầu tư, trong đó một số dự án lớn đã hoàn thành hoặc đang triển khai, như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thịnh Long, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông… Các công trình, dự án này đã tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.
Nhật Hạ