Các bác sĩ thuộc thành phố Indore, bang Madhya Pradesh đã tiến hành phẫu thuật chuyển giới tính khoảng 300 trẻ em gái thành con trai sau khi cha mẹ chúng chi trả cho mỗi cuộc phẫu thuật 2000 bảng Anh (tương đương 64 triệu VND).

TIN LIÊN QUAN

Các bác sĩ cho biết, họ tiến hành phẫu thuật là do mong muốn cha mẹ chúng. Những gia đình này làm vậy nhằm cải thiện thu nhập gia đình trong tương lai.

Thông tin này đã làm dư luận Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới xôn xao. Nhiều nhóm hoạt động vì quyền lợi trẻ em và phụ nữ đã lên án hành động trên là “hành vi điên rồ mang tính xã hội”, phỉ báng thô bỉ phụ nữ quốc gia Nam Á này. Họ nhấn mạnh lạm dụng phẫu thuật như vậy đồng nghĩa các bé gái sẽ không còn được an toàn sau khi sinh ra.

Số trẻ em trai Ấn độ dưới 6 tuổi hiện nhiều hơn số em gái 7 triệu em. Ảnh minh họa: Relativityonline.

Các bác sĩ bị điều trần tuyên bố rằng họ chỉ đưa những đứa bé gái có khiếm khuyết về gien đến bệnh viện thành phố để chúng được “chỉnh sửa bằng phẫu thuật” và họ chỉ chọn phẫu thuật những đứa trẻ á nam á nữ.

Tuy nhiên các nhà hoạt động cho biết cha mẹ và bác sĩ đã cố tình “chỉ định” sai tình trạng của chúng để có thể “biến” chúng thành con trai.

Phẫu thuật được các bác sĩ áp dụng là đắp thịt (genitoplasty), tạo ra dương vật từ cơ quan sinh dục nữ; đồng thời tiêm hóc-môn đực vào cơ thể bé nữ để trở thành nam giới.

Tiến sĩ V.P Goswami, chủ tịch Viện nhi khoa Ấn độ ở Indore, cho rằng điều này là một cú sốc đối với chính ông và cảnh báo các cha mẹ rằng việc phẫu thuật như vậy sẽ khiến con cái họ bị bất lực và vô sinh khi trưởng thành.

Ông phân tích: “Y học có khả năng thực hiện phẫu thuật Genitoplasty đối với một đứa trẻ bình thường thuộc bất kì giới tính nào nhưng những cơ quan sinh sản đó sẽ không trưởng thành do tác động của hocmôn và điều đó sẽ dẫn tới vô sinh cũng như tình trạng bất lực. Các bậc cha mẹ cần phải cân nhắc tác động xã hội cũng như tâm lý của phẫu thuật lên đứa trẻ”.

Chính quyền bang Madhya Pradesh đang nhập cuộc điều tra. Ủy ban bảo vệ Quyền trẻ em Ấn Độ đã yêu cầu bang phải thu được kết quả điều tra trong vòng 15 ngày.

Bà Ranjana Kumari, thuộc Trung tâm nghiên cứu xã hội và là một trong những nhà hoạt động dẫn đầu Ấn Độ trong việc chống lại nạn giết thai nhi nữ giới, khẳng định rằng việc phẫu thuật chuyển hóa những đứa bé gái thành trai mà không được sự chấp thuận là dấu hiệu của căn bệnh “điên xã hội” đang gia tăng ở Ấn độ.

Từ lâu tỉ lệ sinh giới tính ở Ấn độ đã bị mất cân bằng, với ưu thế thuộc về nam giới do xu hướng nạo thai thai nhi nữ. Lý do là các gia đình Ấn Độ sợ sẽ phải trang trải chi phí hôn nhân cao và khoản hồi môn kếch xù cho những cô gái đến tuổi lấy chồng.

Số trẻ em nam dưới sáu tuổi ở nước này hiện nhiều hơn số trẻ em nữ 7 triệu em.

Tờ Telegraph dẫn lời bà Ranjana Kumari bày tỏ sự tuyệt vọng rằng giáo dục không thể giúp ngăn chặn tình trạng hắt hủi bé gái đang ngày một lan rộng ở quốc gia nhiều dân theo đạo Hindu này.

“Năm 2001, ở Delhi, tỉ lệ sinh là 886 bé gái trên 1000 bé trai. Đến nay trung bình chỉ còn 866 trên 1000. Những người càng giàu và càng có học lại càng “giết” trẻ em gái nhiều hơn”, bà phát biểu.

“Người dân không muốn phải rời bỏ tài sản của họ; không muốn đầu tư cho việc giáo dục một đứa con gái hoặc phải trang trải món hồi môn cho một cô dâu tương lai. Giới trung lưu tham lam đang cố chạy theo tiền bạc. Hành động này thật đáng kinh tởm và xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em”, bà nhấn mạnh thêm.

Phan Khôi (Theo Telegraph)