- Cậu thí sinh có mức điểm 27,5 ngồi rối bời với phép tính rút hồ sơ hay không, khi nào rút và khi nào nộp lại.

Phép tính của thí sinh 27,5 điểm

“Em run lắm” – Hoàng Ngọc Anh (trường THPT Nghi Lộc 2, Nghệ An) nhắc đi nhắc lại câu này trong khi trò chuyện.

“Khoảng 7h tối hôm qua, ngày 17/8, sau khi lên mạng và cập nhật thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội, cảm giác của em là bàng hoàng và thất vọng khi biết trường lấy thêm chỉ số phụ là môn Sinh phải đạt từ 8,75 điểm trở lên. Em đạt 27,5 điểm, vừa đạt mức điểm xét tuyển dự kiến vào ngành Bác sĩ đa khoa trường và đạt cả chỉ số phụ môn Toán từ 9 điểm trở lên như thông báo một ngày trước đó của trường”.

{keywords}
Không ít thí sinh đạt điểm rất cao phải rời Trường ĐH Y Hà Nội trong tiếc nuối vì không đạt tiêu chí phụ (Ảnh A.K) 

Ngay sau khi biết rằng cơ hội vào ngành học yêu thích đã khép lại, hai bố con Hoàng Anh đi xe đêm ra luôn Hà Nội để sáng ngày 18/8 tới trường rút hồ sơ. “4h sáng bố con em tới bên xe Mỹ Đình, chờ tới sáng hẳn đi bus tới trường. Nhưng được các thầy cô tư vấn là cơ hội vào Y đa khoa hết rồi mà em vẫn tiếc lắm, chưa muốn rút hồ sơ, vì em thật sự thích học trường này. Vấn đề là em chỉ thích ngành Y đa khoa. Điểm của em đủ để trúng tuyển các khoa “hot” khác như Răng hàm mặt hay Y học cổ truyền, nhưng mơ ước của em là trở thành bác sĩ”.

Ngọc Anh chần chừ chưa rút ngay hồ sơ vì cậu tính toán: “Em vẫn muốn chờ đến ngày mai mới rút, xem hôm nay tình hình điểm có biến động gì không. Em tính sẽ nộp vào ngành Y đa khoa của ĐH Y dược Huế, nộp vào đấy em chắc chắn đỗ. Nhưng em chỉ sợ vừa rút hồ sơ ở đây, tối ngày mai đang trên đường mang vào Huế nộp thì trường lại thông báo giảm tiêu chí, em lại trúng tuyển, thì không kịp quay ra. Hoặc sáng ngày 20 em vào tới Huế, nộp xong ở Huế, thì chiều ngày 20 Trường ĐH Y Hà Nội lại thông báo giảm điểm em sẽ không có thời gian rút hồ sơ ở ĐH Huế nữa. Nếu thế em tiếc lắm”.

“Em còn tính cách nữa là ngày mai cứ rút nhưng ngồi ở Hà Nội chờ, nếu ngày 20/8 điểm Trường Y Hà Nội giảm em sẽ lại nộp vào. Nếu không giảm, em sẽ nộp hồ sơ theo đường bưu điện vào ĐH Y dược Huế vì thời hạn nộp hồ sơ được tính theo dấu buu điện. Nhưng cách này cũng có rủi ro, vì ngay cả ngày 20/8 Trường ĐH Y Hà Nội cũng chỉ công bố mức điểm xét tuyển dự kiến chứ chưa phải mức điểm trúng tuyển cuối cùng. Vì vậy, nếu lúc công bố điểm trúng tuyển chính thức mà em lại trượt, thì khi đó cơ hội vào ngành Y đa khoa của ĐH Y dược Huế cũng chấm dứt luôn vì không có chuyện trường này sẽ tuyển nguyện vọng bổ sung”.

Điểm thi khối A của em là 27, em có thể vào được Bách khoa, Kinh tế, Ngoại thương, Dược… nhưng em không thích học những ngành này. Em chỉ thích học y đa khoa. Em muốn sau này sẽ thi bác sĩ nội trú, và sẽ kiếm sống từ nghề nghiệp mình yêu thích thực sự”.

“Bây giờ em rất rối trí. Tối nay bố con em sẽ thuê khách sạn ở lại Hà Nội một hôm rồi mai em sẽ rút hồ sơ. Thôi, em quyết định rồi đấy, mai em sẽ vào Huế luôn, chứ cứ chần chừ em sợ mình sẽ trượt lắm”.

Phép tính của vị phụ huynh “có điều kiện”

Theo con ra Hà Nội từ ngày 15/8, anh Nguyên Hồng cho biết chỉ vì con đã trượt nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nguyện vọng 2 có nguy cơ cũng trượt nốt, nên bố con anh phải ra để điều chỉnh nguyện vọng. Nhưng khoa con lựa chọn mức điểm cũng thuộc diện mấp mé, có thể bị đẩy bật ra bất cứ lúc nào.

{keywords}
  Phụ huynh và thí sinh lo lắng "ngóng" thông tin ngày 18/8 (Ảnh Lê Anh Dũng)

Anh Hồng nhẩm tính: “Không kể tiền xe cộ từ Hà Tĩnh ra đây, thì tiền khách sạn của hai bố con mất vài triệu đồng rồi. Bố con tôi ở khách sạn Kim Liên cho tiện tới trường, loại phòng 350 nghìn đồng/ ngày đã kín chỗ, vì cũng đầy phụ huynh và thí sinh đang ở đấy, nên tôi phải thuê phòng 600 nghìn đồng/ ngày. Chúng tôi sẽ ở đến hết ngày 20/8 để xem có phải rút hay nộp hồ sơ ở đâu nữa không rồi mới có thể yên tâm mà về được”.

“Biết là có đổi mới, các em có cơ hội nhiều hơn nhưng sao tôi thấy vất vả quá. Nhà tôi gọi là có điều kiện nên ăn ở, chi tiêu được như thế. Chứ mấy ngày nay tới đây “chầu chực”, tôi thấy nhiều phụ huynh khó khăn lắm mà vẫn phải đưa con đi rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng. Đi lại như thế này ngoài tiền xe cộ ra có phải uống nước lã mà xong đâu”.

“Chúng tôi dù có quan tâm đến con thì cũng chỉ biết hỏi nguyện vọng của con, rồi cùng con tính toán để lượng sức nộp hồ sơ. Từ ngày cháu thi đến nay là gần 2 tháng cả nhà tất tả chạy theo những quy định, quy chế thi cử. Như mấy hôm nay, tôi phải nghỉ làm để cùng cháu ra đây. Tôi nghe đủ thông tin, nào là nhiều thí sinh điểm cao ở thành phố chờ đến những ngày cuối mới di nộp cho chắc ăn vì họ tiện đi lại, nào là thí sinh trượt ngoại thương đang đổ dồn sang đây. Ngày ngày tới trường xem xét, nghe ngóng tình hình, cứ nhìn những cháu mới đến nộp hồ sơ ĐKXT mà lo ngay ngáy, vì thêm người nộp là cơ hội của những cháu ở diện mấp mé như con tôi lại bị lung lay”.

“Nhưng nói gì thì nói, đáng thương nhất vẫn là bọn trẻ con. Coi như lứa học sinh năm nay chưa bắt kịp được với những thay đổi liên tục của Bộ nên chịu “hậu quả”. Tôi chỉ mong rằng, lứa học sinh năm sau sẽ có một kỳ thi đỡ mệt mỏi và gay cấn hơn, khi các lãnh đạo ngành giáo dục đã rút được kinh nghiệm trong khâu tổ chức, để các cháu không rơi vào cảnh hoang mang như năm nay. Đừng bắt học sinh phải chịu trách nhiệm trong một cuộc chơi mà các cháu không phải là người đặt ra luật lệ”.

Ngân Anh