Khi những người chịu trách nhiệm về an toàn của chuyến bay ngủ gật, họ đã đặt hàng trăm hành khách vào tình huống nguy hiểm.

Máy bay 'mắc kẹt' trên trời vì kiểm soát không lưu ngủ gật

Hôm 19/8, một sự cố hy hữu xảy ra với chuyến bay từ Tam Á, Hải Nam tới Vũ Hán, Hồ Bắc của hãng China Eastern Airlines, Trung Quốc, Oriental Daily đưa tin. Kiểm soát không lưu ngủ gật nên máy bay không thể hạ cánh.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, nhân viên phụ trách radar của sân bay đã yêu cầu máy bay lượn vòng trên không trung chờ chỉ thị. 12 phút sau, máy bay nhận lệnh hạ cánh và đáp xuống sân bay an toàn.

Cục quản lý an toàn bay Khu vực miền trung và miền nam xác nhận sự cố là lỗi của các cá nhân trực tại tháp kiểm soát không lưu. Đơn vị này đã xác định danh tính hai nhân viên ngủ gật.

Các nhân viên phụ trách radar cũng bị phạt vì không nhận thức đầy đủ mức độ nguy hại của sự cố khi yêu cầu máy bay lượn vòng trong bối cảnh mất liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu.

Cơ quan này cũng yêu cầu giới chức hàng không tỉnh Hồ Bắc gia tăng các hoạt động đào tạo và giám sát nhân viên, tránh để sự cố xảy ra trong tương lai, đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho những chuyến bay chở khách.

{keywords}

Máy bay chở khách của hãng hàng không Jet Airways, Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia

Boeing 777 rơi tự do 1.500 m vì phi công ngủ gật

Thời báo Ấn Độ cho biết, sự cố xảy ra ngày 8/8 khi chiếc Boeing 777 di chuyển ổn định ở độ cao 10.300 m qua không phận Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả hai phi công đều không phát hiện chiếc Boeing 777-300 rơi tự do 1.500 m tới khi trạm kiểm soát không lưu Ankara gọi báo động.

Sự việc khiến trạm kiểm soát không lưu châu Âu yêu cầu các máy bay tránh khu vực này. Các phi cơ khác được yêu cầu giữ độ cao khi chiếc Boeing 777 đi xuống. Vụ việc hy hữu không gây ra sự cố đáng tiếc.

Dù sự cố xảy ra từ ngày 8/8 nhưng phải tới ngày 12/8, Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ (DGCA) mới nhận thông tin về vụ việc qua một tin nhắn nặc danh.

Vào buổi tối cùng ngày, đại diện của Jet Airways xác nhận thông tin. Cơ quan này đã triệu tập cả hai phi công của chuyến bay để điều tra vụ việc "cực kỳ nghiêm trọng".

Một nguồn tin DGCA cho biết: "Sự cố xảy ra khi cơ trưởng đang tranh thủ ngủ ngay tại buồng lái theo đúng tiêu chuẩn của hàng không toàn cầu trong những chuyến bay dài.

Trong khi đó, cơ phó sử dụng máy tính bảng, thiết bị được cô sử dụng để lưu trữ toàn bộ dữ liệu về máy bay. Chính vì thế, cả hai phi công đều không nhận ra phi cơ đang mất độ cao".

Phi công ngủ gật khi đang lái Airbus A330 chở theo 300 hành khách

Hôm 13/8/2013, hai phi công đã ngủ gật khi đang điều khiển chiếc Airbus A330 của một hãng hàng không Anh khiến 300 hành khách rơi vào tình huống nguy hiểm.

Theo thỏa thuận, cơ phó và cơ trưởng sẽ thay phiên nhau chợp mắt 20 phút trong suốt chuyến bay. Tuy nhiên, khoảng 2 giờ đồng hồ sau khi cất cánh, cả hai người đều ngủ gật và máy bay ở chế độ lái tự động.

Điều này nghĩa là nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra, không ai có thể kiểm soát phi cơ và giải quyết tình huống.

Tên của hai phi công này cùng hãng hàng không mà họ đang làm việc được giữ bí mật để khuyến khích các phi công khác trình báo trung thực những lỗi họ mắc phải.

Cơ quan hàng không dân dụng Anh cho biết, cả hai phi công trên chuyến bay hôm 13/8 đều mệt mỏi trầm trọng do thiếu ngủ.

Phi công ngủ gật hai lần khi bay qua Đại Tây Dương

Hãng hàng không New Zealand từng thừa nhận rằng một phi công của hãng ngủ gật hai lần khi đang điều khiển máy bay.

Sự việc xảy ra vào năm 2011, trên chiếc Boeing 777, thực hiện hành trình từ thủ đô London (Anh) tới thành phố Los Angeles (Mỹ). Một trong hai phi công đã ngủ gật khi máy bay đang bay qua Đại Tây Dương.

Người phi công ngủ gật ngày hôm đó cho biết: "Đêm trước chuyến bay, tôi bị mất ngủ do điều hòa của khách sạn tại London trục trặc. Khi ngồi trong khoang lái, tôi gục mặt xuống bàn điều khiển và thiếp đi khoảng 1 phút. Sự việc diễn ra hai lần".

Báo giới New Zealand cho biết vụ việc vỡ lở sau khi các hãng hàng không được yêu cầu thông báo chi tiết các hoạt động.

Ông Gerry Brownlee, Bộ trường Giao thông New Zealand, nói: "Vụ việc có thể sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của hãng, vì cộng đồng không hài lòng với việc phi công ngủ gật trong chuyến bay".

Máy bay suýt lao xuống Đại Tây Dương do phi công ngủ gật

Hôm 14/2/2011, một chiếc máy bay suýt lao xuống Đại Tây Dương khi đang thực hiện hành trình từ thành phố Toronto (Canada) tới thành phố Zurich (Thụy Sỹ) vì cơ trưởng "lơ mơ" sau một giấc ngủ dài.

Sự việc đã khiến chiếc máy bay hạ độ cao khoảng 120 m trong 46 giây khiến những người chưa cài dây an toàn văng ra khỏi ghế. Cơ phó đã điều chỉnh máy bay cân bằng và tiếp tục hành trình.

Sau khi hạ cánh, các xe cứu thương đã đưa 7 hành khách tới bệnh viện để điều trị. 14 hành khách khác và hai tiếp viên bị thương nhẹ.

Báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Canada cho biết: "Do tác động của việc tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, cơ trưởng đã nhầm lẫn phương hướng và tin rằng máy bay có nguy cơ va chạm với máy bay khác".

Tín hiệu thắt dây an toàn đã bật lên nhưng một vài hành khách không để ý nên bị thương.

Báo cáo nhấn mạnh việc cơ trưởng không tuân các quy định "nghỉ ngơi có kiểm soát" trong các chuyến bay dài. Theo quy định, phi công chỉ được ngủ khoảng 40 phút và phải nghỉ 15 phút sau khi tỉnh dậy mới được lái máy bay tiếp.

Hơn 50% phi công Brazil ngủ gật khi lái máy bay

Hôm 7/7, Hiệp hội Phi công Hàng không dân dụng Brazil (Abrapac) cho biết hơn một nửa số phi công lái máy bay thương mại tại nước này thừa nhận đã từng ngủ gật trong các chuyến bay quốc tế hoặc nội địa.

Trong quá trình nghiên cứu, Abrapac đã phỏng vấn 1.235 phi công. Khoảng 57% thừa nhận đã từng ngủ gật khi bay chuyến nội địa và 70% đã từng ngủ gật khi thực hiện các chuyến bay quốc tế.

Một số phi công cho biết họ chưa bao giờ ngủ khi bay, nhưng 20% thừa nhận đồng nghiệp từng ngủ gục trong các chuyến bay nội địa, 15% thừa nhận đồng nghiệp từng ngủ gục trong các chuyến bay quốc tế.

"Các trường hợp ngủ gật của phi công có thể gây nguy hiểm trên các chuyến bay quốc tế và nội địa, bởi khi tình huống khẩn cấp xảy ra, họ sẽ không kịp ứng phó", Abrapac nhấn mạnh.

Các phi công tham gia khảo sát cho biết nguyên nhân gây mệt mỏi chủ yếu là thời gian làm việc. Họ phải làm việc liên tục nhiều ngày và không đủ thời gian nghỉ giữa các ca, nhất là vào ban đêm.

Theo các nghiên cứu trong lĩnh vực hàng không, nguy cơ xảy ra tai nạn do phi công phải làm bốn ca đêm liên tiếp cao hơn 36% so với thông thường.

(Theo Zing)