Chợ Chuộng nằm bên sông Hoàng, giáp ranh 3 huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Triệu Sơn. 

Chợ này chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 6 Tết. 

Người dân địa phương nơi đây có câu truyền tụng “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng”. Chính vì vậy, cứ vào sáng mùng 6 Tết là người dân khắp nơi ùn ùn về dự phiên chợ.

Theo quan niệm của người dân, người bán là bán đi cái đen đủi, còn người mua là mua cái may mắn. Các mặt hàng ở đây chủ yếu là sản vật địa phương.

Điều khiến cho phiên chợ đặc biệt hơn đó là tục ném cà chua vào người nhau. Người đến tham gia phiên chợ mua những túi cà chua, họ ném vào nhau và cho rằng ai bị ném vào người càng nhiều thì năm đó càng may mắn.

Theo tích xưa kể lại, vào thời Lê Lợi, có một vị tướng bị giặc truy đuổi và chạy đến làng Giang (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn). Hôm ấy nhằm ngày mùng 6 Tết. 

Để che giấu vị tướng, dân làng đã tổ chức họp chợ. Khi giặc đến, vì nghĩ là phiên chợ bình thường nên mất cảnh giác. Chớp thời cơ, vị tướng đã huy động dân làng tấn công khiến giặc bị thiệt hại nặng.

Để tưởng nhớ chiến công đó, cứ đến ngày mùng 6 Tết, dân trong vùng lại tổ chức họp chợ. 

Qua thời gian, chợ Chuộng trở thành nơi “mua may bán rủi” đầu năm, cũng là nơi trao đổi các sản vật trong vùng, tổ chức các trò chơi dân gian của địa phương.

Một số hình ảnh ném cà chua tại phiên chợ Chuộng ở Thanh Hóa:

Phiên chợ Chuộng thu hút hàng nghìn người tham gia.
Các thanh niên cầm sẵn trên tay cà chua để sẵn sàng ném vào người đối phương.
Việc ném cà chua vào người sẽ không loại trừ ai ở phiên chợ.
Các cô gái bị ném cà chua vào người
Đầu tóc, quần áo be bét cà chua.
Cà chua là mặt hàng bán chạy nhất tại phiên chợ.
Người dân địa phương quan niệm phiên chợ mùng 6 Tết là nơi "mua may bán rủi".
Nơi đây còn tổ chức các trò chơi dân gian đầu xuân.