Theo ghi nhận của PV VietNamNet, vào đêm ngày 16, rạng sáng 17/2, du khách ở khắp nơi lại nô nức về Nam Định để trẩy hội chợ Viềng Xuân - phiên chợ chỉ mở một phiên duy nhất trong năm.

Một số người quan niệm rằng khi đi chợ Viềng, du khách có thể dạo chơi cả chiều mùng 7 nhưng sau 0 giờ ngày mùng 8 hãy mua đồ bởi đó mới là thời điểm để bán rủi, mua may.

Do chợ Viềng năm nay diễn ra vào các ngày nghỉ cuối tuần nên lượng khách đông hơn so với năm ngoái. Vì vậy, một số đoạn đường dẫn vào khu vực chợ đã xảy ra ùn tắc cục bộ.

W-dem-cho-vieng-4.jpg
Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp đúng 1 phiên vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Chính vì vậy dù là nửa đêm nhưng hàng vạn người vẫn đổ về đây.

Sự hấp dẫn của chợ Viềng là đi chợ 'cầu may'. Người dân vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt.

Dòng người tấp nập chen kín các trục đường dẫn vào các đình, đền, chùa, phủ, nhất là Phủ Tiên Hương. Để đảm bảo an ninh trật tự tại chợ, công an tỉnh phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông và công an các huyện, thành phố Nam Định huy động lực lượng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự, chủ động triển khai các phương án điều hành giải tỏa nhanh khi có ùn tắc cục bộ, đảm bảo an toàn cho du khách tham gia hội chợ.

W-dem-cho-vieng-3-2.jpg
Chợ Viềng năm nay diễn ra vào sát ngày cuối tuần nên buổi tối ngày mùng 7 người dân, du khách đổ về càng đông.

Chợ Viềng Vụ Bản được tổ chức gắn với Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy họp trải dài gần 10km trên địa bàn các xã Kim Thái, Trung Thành và thị trấn Gôi.

Ông Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái cho biết, năm nay xã đã bố trí hơn 60 camera và hơn 30 chốt an ninh trên khắp các tuyến đường để kịp thời nắm bắt tình hình giao thông, chủ động ứng phó khi xảy ra ùn tắc, đảm bảo an ninh, trật tự.

W-dem-cho-vieng-6-3.jpg
Bên trong chợ Viềng, người dân và du khách đứng chật kín các con đường.

Do vậy phiên chợ dù diễn ra nhộn nhịp, tấp nập nhưng vẫn đảm bảo trật tự, an toàn. Các gian hàng chủ yếu bày bán các sản phẩm nông nghiệp như: thịt bò thui, nông cụ, mây tre đan, đồ đồng, đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gốm sứ, cây cảnh, cây con giống.

Đã thành thông lệ, hơn 10 năm trở lại đây, anh Nguyễn Văn Huy (Hà Nội), năm nào anh cũng cùng gia đình về Nam Định đi chợ Viềng, lễ Phủ Dầy vào mỗi dịp đầu xuân mới. 

"Năm nay do là cuối tuần nên lượng khách đông hơn so với mọi năm, dù phải 'bơi' trong biển người ở đây nhưng khi mua được món đồ ưng ý tôi rất hài lòng vì đã mua được những điều may mắn cho bản thân và gia đình", anh Huy phấn khởi chia sẻ.

W-dem-cho-vieng-9-3.jpg
Dù là nửa đêm nhưng hàng hoá vẫn bày bán tấp nập.

Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng BTC hội chợ Viềng cho hay năm nay, lượng khách đến chợ đông hơn so với mọi năm. Ban tổ chức quy định cụ thể từng khu vực kinh doanh, dịch vụ trong chợ, tổ chức hợp lý các bến bãi trông giữ phương tiện giao thông, tránh hiện tượng nâng ép giá, BTC phối hợp giải quyết, xử lý tệ nạn hành khất, cờ bạc, trộm cắp, đổi tiền lẻ, kinh doanh hàng cấm, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp trong thời gian diễn ra chợ Viềng.

W-dem-cho-vieng-8-3.jpg
Lực lượng đảm bảo an ninh tại khu vực chợ Viềng.

Theo các bậc cao niên ở địa phương, chợ Viềng ở Nam Định có từ rất lâu. Chợ Viềng ngày nay tái hiện lại hình ảnh một phiên chợ của cư dân nông nghiệp từ xa xưa.  

Chính vì vậy, hàng chục năm nay, người dân tại khu chợ Viềng đã quen với không khí sôi động của đêm mồng 7 tháng Giêng, chứng kiến cảnh hàng trăm ô tô, xe máy của những người buôn bán, làm ăn từ các tỉnh thành đổ về các đền phủ thắp hương lễ rồi mua cây, nông cụ, cho đến mua cả thịt bò thui về cho bạn bè, người thân trong gia đình lấy may.

W-dem-cho-vieng-1-3.jpg
Khu vực bán đồ gỗ đông đúc người mua.
W-dem-cho-vieng-7-2.jpg
Đi chợ Viềng để bán vận rủi, mua may mắn là một nét văn hóa của người dân Nam Định nói riêng và du khách thập phương nói chung.

Chợ Viềng xuân diễn ra vào đầu xuân, ngay sau Tết Nguyên đán, là dịp để người dân ở các vùng quê trong tỉnh quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đồng thời chia sẻ những giá trị văn hóa truyền thống và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tới bạn bè, du khách thập phương.