Hòa Bình là một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Bắc bởi có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú và những nét văn hóa dân tộc đặc sắc. 

Nhằm quảng bá nét sinh hoạt cộng đồng trong các chợ phiên của đồng bào vùng cao phía Bắc nói chung và của tỉnh Hòa Bình nói riêng; nhất là đặc trưng, thế mạnh về văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực và các sản phẩm đặc sản của tỉnh Hòa Bình; những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình… hàng năm, tỉnh Hòa Bình chú trọng tổ chức các sự kiện về văn hóa, sản xuất, xúc tiến thương mại. Trong đó, điểm nhấn là Chương trình Phiên chợ vùng cao.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Phiên chợ vùng cao thu hút khách du lịch.

Phiên chợ vùng cao là cơ hội để các huyện, thành phố, các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá và bán các mặt hàng truyền thống của các địa phương; khuyến khích cộng đồng các dân tộc và địa phương trong tỉnh đầu tư phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, dân trí cho nhân dân, gìn giữ và phát huy đặc thù văn hoá mỗi địa phương.

Chương trình phiên chợ vùng cao năm 2022 đã thu hút trên 10.000 lượt du khách và người dân đến tham quan, mua sắm, giao lưu, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực và tham gia các hoạt động.

Năm 2023, chương trình Phiên chợ vùng cao tiếp tục được UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức. Sự kiện sẽ được lồng ghép, gắn kết với các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao của tỉnh để quảng bá điểm đến, hình ảnh, con người Hòa Bình trên cơ sở phù hợp với loại hình sản phẩm tại mỗi địa phương.

Chiều 18/9, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp thống nhất công tác chuẩn bị tổ chức Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình năm 2023. Với chủ đề "Chợ phiên - nét đẹp vùng cao”, Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 3 - 7/10/2023 tại Sân vận động huyện Mai Châu.

Nội dung tái hiện lại hoạt động phiên chợ vùng cao của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa tỉnh Hòa Bình nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Đồng thời, gắn kết với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống nhằm tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về bản sắc văn hóa truyền thống, về sản phẩm OCOP, về sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu, về bản sắc văn hóa, con người Hòa Bình... đến với du khách trong và ngoài nước.

Trong cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất về công tác truyền thông hình ảnh Phiên chợ vùng cao đến với du khách trong và ngoài tỉnh; số lượng các gian hàng; công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…

Phiên chợ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, có 10 khu vực được dàn dựng đảm bảo tính chất và yêu cầu tổ chức của Phiên chợ vùng cao. Bao gồm: khu sân khấu; khu gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP nông sản và sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của tỉnh; khu gian hàng của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với du khách, phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư, gian hàng của các huyện: Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn giới thiệu thành tựu kinh tế, văn hóa và các sản phẩm tiêu biểu của địa phương; khu vực gian hàng của huyện Mai Châu; khu vực ẩm thực; khu chợ quê; khu vui chơi ngoài trời; khu gian hàng thương mại và một số khu vực phụ trợ khác. 

Ngoài ra, chương trình còn có các hoạt động trình diễn nghề thủ công; giới thiệu văn hóa các địa phương; giới thiệu văn hóa Mường; các trò chơi dân gian truyền thống; tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật…. Đặc biệt, trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, múa sạp, giã bánh dày... sẽ được tổ chức liên tục, cùng với đó là các hoạt động tham quan mua sắm, thưởng thức ẩm thực…

Bên cạnh xúc tiến thương mại, quảng bá văn hóa và đặc sản vùng miền, Chương trình Phiên chợ vùng cao còn là cơ hội vàng để tỉnh Hòa Bình thúc đẩy và kích cầu du lịch. Dù chỉ tổ chức ở quy mô cấp tỉnh nhưng Phiên chợ vùng cao những năm trước luôn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Trong số đó không chỉ là khách du lịch, người dân bản địa mà còn có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tham qua, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. 

Năm nay, chương trình được tổ chức với nhiều điểm mới, ấn tượng với kỳ vọng thu hút khách du lịch cả nước, khách du lịch quốc tế đến Hòa Bình, thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Sau khi tham dự phiên chợ, du khách có thể tiếp tục tham quan Mai Châu, khám phá và trải nghiệm cảnh đẹp, cuộc sống của người dân Hòa Bình. 

Nhân dịp này, tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi nguồn khách nội địa; khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Tất cả các hoạt động du lịch trước, trong và sau thời gian diễn ra Chương trình Phiên chợ vùng cao năm 2023 được chuẩn bị chu đáo và đề ra các phương án xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro trên cơ sở bảo đảm các biện pháp an toàn cao nhất cho các điểm đến, các cơ sở dịch vụ và khách du lịch. Các cơ sở lưu trú cũng được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn, xây dựng hình ảnh du lịch mang tính chuyên nghiệp, bền vững.

Năm 2023, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 450.000 lượt khách quốc tế, thu nhập từ du lịch 3.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, ngành du lịch Hoà Bình phục hồi ấn tượng, đón 2.360.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch khoảng 2.300 tỷ đồng.

Hiện, các địa phương đang đẩy mạnh khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch. Hiệp hội Du lịch tỉnh huy động doanh nghiệp mở rộng liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch tiềm năng, nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, như: Lương Sơn Retreat, Eco Bùi Trám, Trang viên Đồng Gội (Lương Sơn); homestay Thung Mây, Tím (Cao Phong); thung lũng Cúc Thảo (TP Hoà Bình); Mai Đà Lodge, Xoan Retreat (Đà Bắc)…      

Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV