Trong khuôn khổ Festival Huế 2022, Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái đất” tại Điểm di tích Bộ học triều Nguyễn (số 76 Hàn Thuyên, TP. Huế, tỉnh TT-Huế).

Bộ sưu tập với hàng ngàn mẫu vật hóa thạch có niên đại từ 10.000 năm tuổi

Tại đây, khách tham quan sẽ được đắm chìm trong không gian đậm đặc hơi thở của lịch sử tự nhiên Trái Đất trải dài hàng trăm triệu năm. 

Các mẫu hóa thạch được giới chuyên gia, nghiên cứu sưu tầm trong nhiều năm liền

Ở đó các câu chuyện về nguồn gốc sinh giới trên Trái Đất, về sự ra đời, tiến hoá và diệt vong của những loài sinh vật từng có mặt trên hành tinh này.

Nhiều mẫu hóa thạch có màu sắc độc đáo

GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam cho biết, Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội hiện là bảo tàng hoá thạch đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, có sứ mệnh sưu tầm, gìn giữ cho hôm nay và mai sau một dạng tài nguyên thiên nhiên đặc biệt của đất nước: những hoá thạch - dấu tích của sự sống trên đất nước ta hàng trăm triệu năm trước.

Mẫu hóa thạch răng khủng long Spinosaur

“Sau 2 năm tìm kiếm và sưu tầm, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội đã thu thập được hơn 14.000 mẫu vật; 2.500 tấn gỗ hóa thạch từ khắp nơi trên thế giới, được giới khoa học đánh giá là kho báu vô giá của ngành Cổ sinh vật học Việt Nam”, ông Phương chia sẻ,

Mẫu hóa thạch Cúc đá

Cũng theo đại diện Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội, nghiên cứu hoá thạch và sự có mặt của chúng trong các lớp đất đá hiện nay giúp cộng đồng hiểu được ảnh hưởng của hành vi con người đối với tự nhiên, trong đó có sinh giới, sự mất cân bằng sinh thái, sự ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Hóa thạch thực vật với tuổi đời hơn 10.000 năm 

Đến với buổi triển lãm, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng bộ sưu tập hơn 2.000 mẫu hóa thạch có niên đại từ 10.000 năm. 

Bộ sưu tập đa dạng chủng sinh vật như ammonite (Cúc đá), san hô... đến các mẫu xương, răng động vật được Bảo tàng hóa thạch Hà Nội sưu tầm từ nước ngoài gồm bò bison cổ vùng Lowa (Mỹ), sọ thú cổ oreodont từ Dakota (Mỹ)…

Mẫu vật Bọ Ba Thùy Morocco

Gây chú ý và thu hút du khách đến thưởng ngoạn, trở thành điểm nhấn của buổi triển lãm có thể kể đến tảng đá có niên đại lên đến 2,936 tỷ năm.

Được biết, hiện vật này được PGS.TS Trần Ngọc Nam - nguyên Chủ nhiệm khoa Địa lý - Địa chất của Trường ĐHKH Huế tìm thấy tại thác nước Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (thuộc dãy núi Con Voi).

Hóa thạch răng cá mập Megalodon được tìm thấy tại Mỹ và mẫu hóa thạch voi ma mút lông (70.000-15.000 năm), voi ngà thẳng (210.000 – 90.000 năm) được tìm thấy tại Đức.

Nơi đây cũng là một trong những tọa độ nổi tiếng với nhiều trầm tích cổ xưa nhất tại Việt Nam.

Phiến đá cổ với niên đại khoảng gần 3 tỷ năm được tìm thấy ở Việt Nam

Để có thể xác định chính xác niên đại của mẫu vật, PGS.TS Trần Ngọc Nam đã lặn lội đến phòng thí nghiệm tại Nhật Bản, áp dụng chì uranium - một trong những phương pháp xác định niên đại tinh vi nhất bằng trắc phóng xạ với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Kết quả thí nghiệm cho thấy tảng đá này đã tồn tại từ đại Mesoarkei, trở thành khối đá cổ xưa nhất Việt Nam và cũng là mẫu đá nguyên thủy duy nhất được trưng bày tại triển lãm.

Quang Thành – Thanh Thảo