Theo bà Nhung, tháng 7/2016, bà cùng với ông Đỗ Văn Thêm, Cao Sơn Tinh là 3 cổ đông sáng lập nên công ty CP sản xuất Hồng Phương (công ty). Đến tháng 3/2018 thì công ty dừng hoạt động. 

2 tháng sau, bà Nhung bị công an huyện Tam Dương bắt, khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Kết luận điều tra của công an huyện Tam Dương thể hiện, số tiền mà bà Nhung chiếm đoạt trong tháng 11/2017 hơn 600 triệu đồng từ việc bán hơn 1 triệu viên gạch các loại. 

"Tài sản này là của công ty do 3 cổ đông góp theo phần trăm cổ phần đã bị Nhung chiếm đoạt", trích kết luận điều tra.

"Tháng 11, một mình tôi góp vốn"

Bà Nhung phân trần, hoạt động của công ty trên danh nghĩa được đăng ký tại sở KH&ĐT tỉnh tuy nhiên toàn bộ quá trình hoạt động không có sổ sách kế toán, các cổ đông tự thỏa thuận với nhau về việc thu, chi.

{keywords}
Công ty Hồng Phương thời điểm còn hoạt động

Đáng chú ý, các cổ đông trong công ty không góp vốn như đã đăng ký và không tạo lập khối tài sản chung mà chỉ là vài cá nhân thỏa thuận cùng nhau thuê nhà xưởng để sản xuất gạch bán, lãi hay lỗ chia ra theo tháng. 

Việc mua bán gạch diễn ra theo hình thức, ai xuất gạch thì người đó tự ghi vào sổ cá nhân của mình, cuốn sổ này chỉ là cuốn ghi nhớ mà không hề có giá trị pháp lý theo hệ thống số sách kế toán mà luật Kế toán quy định.

Câu chuyện pháp lý bắt đầu nảy sinh từ tháng 5/2017 khi cổ đông Cao Sơn Tinh và Đỗ Văn Thêm chuyển nhượng cổ phần của 2 người cho bà Nguyễn Thị Chấp (SN 1971, quê Hà Nội).

Dù mua phần lớn cổ phần của công ty, tuy nhiên bà Chấp không trực tiếp điều hành mà cử người đại diện là ông Vũ Duy Tân thực hiện từ tháng 7-10/2017. 

"Việc làm ăn không suôn sẻ và đứng trước bờ vực phá sản, các cổ đông đều chán nản và không ngó ngàng nhiều đến việc hoạt động của công ty.

Do đó, tính từ tháng 11/2017 tôi là người duy nhất tự ứng toàn bộ vốn gần 1 tỷ đồng để duy trì sản xuất và điều hành công ty", lời bà Nhung. 

Chia sẻ trên của bà Nhung được minh chứng qua các bút lục trích lời khai của các cổ đông. Cụ thể, ông Đỗ Văn Thêm khai "nhiều lúc công ty không có tiền, chị Nhung bỏ tiền cá nhân cho công ty vay để duy trì hoạt động".

Ngay chính bà Chấp (người tố cáo) tại bút lục 1372 cũng tường trình: "Số tiền âm hàng tháng đều được bà Nhung bỏ tiền cho công ty vay".

Một đối tác của công ty là ông Phùng Văn Cần khẳng định: "Công nợ tháng 11/2017 bà Nhung đã trả cho tôi hết".

Chứng cứ yếu?

Luật sư Đào Ngọc Lý (đoàn Luật sư TP Hà Nội) là người bào chữa cho bà Nhung cho biết, quá trình tố tụng, cơ quan chức năng huyện Tam Dương đã áp đặt và hình sự hóa một vụ việc dân sự. 

{keywords}
Luật sư Đào Ngọc Lý

Theo ông, quá trình thụ lí vụ án, cơ quan điều tra thu giữ 1 cuốn sổ tay của người lao động (người này không có hợp đồng lao động với công ty). Những nội dung trong cuốn sổ không rõ ràng, không có tính pháp lí và cơ sở để đối chiếu.

"Tôi không hiểu vì sao, cơ quan điều tra vẫn coi cuốn sổ trên là sổ sách kế toán, là chứng cứ để kết tội", lời ông Lý.

Theo ông Lý, bản kết luận điều tra của Công an huyện Tam Dương nảy sinh nhiều bất cập khi cơ quan điều tra căn cứ vào 1 số ảnh chụp biển số xe ra vào nhà máy (không rõ có lấy được gạch hay không, cụ thể lấy bao nhiêu, ai bán, ai thu tiền) để quy kết số gạch bán ra và số tiền bà Nhung thu về trong tháng 11/2017 là chưa thuyết phục.

Luật sư Lý nhìn nhận, bà Nhung bị oan trong vụ án "khiên cưỡng" này, bởi, công ty không có hệ thống sổ sách kế toán, không có vốn như đã đăng ký với cơ quan nhà nước nên không có việc để ngoài sổ sách và không có việc chiếm đoạt tài sản.

Hơn nữa, từ những lời khai của các bên liên quan, tháng 11/2017, do mâu thuẫn nên công ty chưa xác định được số liệu quyết toán. Thậm chí đến đầu tháng 12/2017 mới chỉ đưa ra số liệu sơ bộ. 

"Đây là mấu chốt để khẳng định, bà Nhung không chiếm đoạt tài sản công ty trong tháng 11/2017", ông Lý nói. 

Tòa tuyên trả hồ sơ

Chiều 12/11, tòa án nhân dân huyện Tam Dương đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, bà Nhung kêu oan.

{keywords}
Phiên tòa xét xử vụ án vào chiều 12/11. Ảnh: Đoàn Bổng

Ngoài ra, quá trình điều tra, bị cáo Trần Văn Thọ (bảo vệ công ty) đã có đơn gửi công an huyện Tam Dương thừa nhận do có sử dụng rượu trong quá trình lấy lời khai nên "đã có những lời không đúng sự thật với bà Nhung" và tỏ ra "ân hận". 

Kết thúc phiên tòa, thẩm phán Trần Tiến Dũng đã tuyên trả hồ sơ vụ án hình sự để Viện kiểm sát huyện chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố với lý do "vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND huyện".

Trưởng công an huyện Tam Dương - thượng tá Trần Mạnh Thắng khẳng định với VietNamNet: "Nói chung là không có gì oan". 

Luật sư Đào Ngọc Lý lại cho rằng điều nghịch lý của vụ án là "tòa xử vụ án chiếm đoạt tài sản nhưng không tìm ra và không xác định được bị hại". 

Ông dẫn chứng: "Quá trình điều tra, gia đình bà Nhung đã nộp cho cơ quan điều tra 100 triệu đồng để khắc phục, theo bà Nhung "lý do nộp để được tại ngoại rồi đi kêu oan".

"Khoản tiền trên được VKSND huyện Tam Dương yêu cầu trả lại cho bị hại là công ty Hồng Phương, tuy nhiên, công ty này không còn tồn tại, không địa chỉ, không bộ máy, vậy biết trả cho ai?", ông Lý nói. 

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đoàn Bổng

Kỳ án dưới chân đèo Pha Đin: Ôm nỗi oan giết cha xuống mồ

Kỳ án dưới chân đèo Pha Đin: Ôm nỗi oan giết cha xuống mồ

Gần 30 năm qua, mẹ con bà Nga phải chịu nỗi oan giết cha, che giấu tội phạm cho con...TAND tỉnh Điện Biên đã xin lỗi công khai.