Ngày 12/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức phiên tòa trực tuyến, xét xử online khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Với quy định trong Nghị quyết này, chỉ xét xử trực tuyến đối với một số vụ án hình sự phúc thẩm, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thay vì phiên tòa truyền thống trực tiếp như trước đây là một xu hướng tất yếu.

Trên tinh thần của Nghị quyết, có thể hiểu khái niệm phiên tòa trực tuyến hay phiên tòa online, xét xử trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, nhưng những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có thể không trực tiếp gặp mặt nhau.

{keywords}
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

Quá trình tố tụng có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Đảm bảo an ninh trật tự trong phiên tòa trực tuyến

Theo luật sư, phiên tòa trực tuyến có những đặc điểm đặc thù khác với những phiên tòa xét xử trực tiếp, theo hình thức tố tụng truyền thống.

Việc đảm bảo an ninh trật tự trong phiên tòa trực tuyến sẽ khác với việc đảm bảo an ninh trật tự trong phiên tòa trực tiếp, bởi môi trường mạng có thể tác động, chi phối đối với hoạt động tố tụng.

Vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh không chỉ tại phòng xét xử mà phải đảm bảo an ninh an toàn mạng.

Đây là hình thức tổ chức xét xử mới, ban đầu đưa vào thực hiện sẽ có nhiều bỡ ngỡ, thậm chí lúng túng, khó khăn đối với những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.

“Ngoài ra, phiên tòa trực tuyến rất dễ bị lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư cá nhân, thậm chí cả bí mật Nhà nước.

Có thể có những đối tượng xấu xâm nhập vào đường dẫn mạng Internet để phá rối, đánh cắp thông tin hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Bởi vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thông tin trong quá trình xét xử là rất quan trọng”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Vẫn theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, hoạt động xét xử trực tuyến có nhiều đặc điểm khác với xét xử trực tiếp như phiên tòa có thể kéo dài, việc đương sự không hợp tác, rời khỏi phương tiện điện tử, ngắt kết nối hoặc đưa ra những thông tin tài liệu không đúng quy định có thể xảy ra, bởi vậy HĐXX cũng phải dự liệu các tình huống này.

Quá trình tranh tụng tại phiên tòa trực tuyến cũng cần có những quy định, nguyên tắc cụ thể để đảm bảo hoạt động tranh tụng đạt hiệu quả, làm cơ sở ghi nhận kết quả tranh tụng là kết quả giải quyết vụ án.

Tổ chức các phiên tòa trực tuyến sẽ đi kèm theo đó là hoạt động rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời để hoạt động xét xử trực tuyến trở thành hoạt động tố tụng chủ yếu, có hiệu quả trong tương lai.

Từ 1/1/2022, Tòa án nhân dân được tổ chức xét xử trực tuyến

Từ 1/1/2022, Tòa án nhân dân được tổ chức xét xử trực tuyến

Với 468 ĐBQH (chiếm 93,79% tổng số ĐBQH) tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.  

T.Nhung