“Chúng tôi triệu tập đại sứ nhưng ông ấy vẫn miễn cưỡng. Chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ tới khi không còn khó ở nữa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói về Đại sứ Campuchia Hos Sereythonh.
Philippines kiên quyết đa phương cho Biển Đông
Việt Nam, Philippines tiếc AMM-45 không ra thông cáo chung
Nữ Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda Basilio dự hội nghị ở Phnom Penh. Ảnh: BBC |
Triệu tập bất thành, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) tuyên bố sẽ tiếp tục triệu tập cho tới khi "vị đại diện có thể tới được DFA”. Người phát ngôn Hernandez cho hay, DFA thông qua Thứ trưởng Erlinda Basilio đã trao công hàm phản đối cho phó đại sứ.
Ông Hernandez nhấn mạnh họ còn muốn ông Hos cho phép công bố tất cả hồ sơ tài liệu về những gì diễn ra ở hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 để chứng minh cho cáo buộc của ông về Philippines và Việt Nam. Bài viết của ông Hos nói rằng, hai nước đã thể hiện quan điểm "không nhân nhượng, không đàm phán" về vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự của hội nghị.
Campuchia đã phản đối đề xuất của hai nước khi ASEAN chuẩn bị cho một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi muốn yêu cầu Đại sứ nếu họ có thể cho phép công khai các bằng chứng để kết thúc tất cả những suy đoán về điều gì thực sự xảy ra ở Phnom Penh", ông Hernandez nói. "Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được câu trả lời. Giờ đây, ông ấy không thích nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục triệu tập ông ấy cho tới khi ông ấy có thể tới DFA”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Chúng tôi cố gắng tìm hiểu chính xác ý nghĩa bài viết cáo buộc bởi đó là những lời chỉ trích mạnh mẽ rằng chúng tôi đang chính trị bẩn". Theo ông Hernandez, điều quan trọng là ông Hos cần giải thích những gì đã nói hoặc tuyên bố trong bức thư gửi tới ban biên tập báo Philippine STAR ngày 30/7.
DFA đã bênh vực bà Basilio trước cáo buộc của ông Hos. Trong lá thư gửi tờ báo Philippines, Đại sứ Campuchia nói Thứ trưởng Ngoại giao Philippines đã “mánh khóe, bóp méo và phóng đại” về những diễn biến ở Biển Đông liên quan tới Trung Quốc. Nữ Thứ trưởng Basilio, Hernandez nhấn mạnh, là "nhà ngoại giao chuyên nghiệp với hồ sơ không tì vết suốt gần 50 năm phụng sự đất nước".
“Các tuyên bố của bà là khách quan, sự thực và đúng đắn. Điều quan trọng hơn, Thứ trưởng Basilio có mặt ở mọi cuộc gặp tại Phnom Penh còn Đại sứ Campuchia thì không", người phát ngôn DFA nói.
Campuchia, nước chủ nhà hội nghị ngoại trưởng ASEAN gần đây, đã phản đối việc đưa thảo luận về tranh chấp ở bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc vào tuyên bố chung của khối.
Theo Hernandez, điều khác thường là Campuchia đã bổ nhiệm một ủy ban bao gồm cả Philippines và Việt Nam, để hình thành sự đồng thuận về bản dự thảo cuối cùng về quan điểm của ASEAN. “Với hàng loạt cuộc đàm phán, và ít nhất 5 bản dự thảo cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận, nhưng tất cả đều bị nước chủ tịch luân phiên ASEAN từ chối", ông nói.
DFA cho rằng, "như một vấn đề lịch sử với các bạn bè Campuchia", ông Hos được yêu cầu cung cấp những thông tin ông có về các sự kiện mà ông đề cập trong bức thư. “Chúng tôi còn có ý định nói với Đại sứ Campuchia rằng, tại sao chủ tịch ASEAN lại bị coi là quan tâm quá mức tới lợi ích của một nước ngoài ASEAN, với một thành kiến rõ ràng về lập trường của Philippines và Việt Nam, là những thành viên ASEAN", Hernandez nói.
Thái An (theo Philstar)