- Vừa vinh dự rời thảm đỏ với giải Oscar phim truyện xuất sắc nhất, bộ phim “Argo” liền phải đối mặt với lời dọa kiện của Iran vì “xuyên tạc’ lịch sử.

TIN BÀI KHÁC
Khán giả cần “cảnh giác” màn tra tấn trong Django
Phim của Leonardo DiCaprio khai mạc LHP Cannes

Đời vinh quang và cay đắng của Hoa hậu đầu tiên

Hôm thứ ba, hãng tin AP đưa bản tin nói luật sư người Pháp Isabelle Coutant-Peyre đang thảo luận với các quan chức của chính phủ Iran làm sao để kiện hãng Warner Bros, nhà phát hành bộ phim “Argo”. Cũng như kiện lên tòa án nào đối với hành vi “mô tả không đúng thực tế về Iran” của bộ phim này.

Sau khi nhận được 7 đề cử, “Argo” đoạt 3 giải Oscar dành cho dựng phim, kịch bản chuyển thể và phim xuất sắc nhất.

Không chỉ vì mối quan hệ Mỹ - Iran vẫn luôn căng thẳng bấy lâu nay. Nếu nhìn từ lễ trao giải Oscar nhuốm màu chính trị với sự xuất hiện để xướng tên phim đoạt giải cao nhất của bà Michelle Obama, phu nhân Tổng thống Mỹ; thì lời dọa kiện có một không hai cũng như thái độ đối đầu của chính phủ Iran là điều được báo trước.

Với kinh phí làm phim 44,5 triệu USD nhưng thu về gần 219 triệu USD trên toàn thế giới, “Argo” do tài tử Ben Affleck làm đạo diễn và đóng vai chính. Anh vào vai Tony Mendez, một chuyên gia giải cứu con tin của CIA, dựa trên nguyên mẫu có thật ngoài đời.

Bộ phim xoay quay điệp vụ giải cứu 6 nhân viên tòa đại sứ Mỹ tại Tehran của Tony, trong cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày kể từ ngày 4/11/ 1979. Khi đám đông nổi dậy kéo đến tấn công tòa đại sứ Mỹ, 6 nhân viên kịp trốn thoát sang nhà đại sứ Canada. Tony giúp họ cải trang thành một đoàn làm phim Hollywood để thoát khỏi Iran.

Ngay khi ra mắt vào tháng 10/2012, bộ phim do Ben Affleck chung tay sản xuất cùng George Clooney và Grant Heslov, đã nhận được sự tán dương rộng khắp của giới phê bình điện ảnh. Nhưng đồng thời, cũng làm dấy lên tranh cãi về tính xác thực trong các chi tiết mà bộ phim mô tả.

Phim dựa trên câu chuyện có thật trong cuộc khủng hoảng con tin tại Iran năm 1979.

Về nội dung, nhiều ý kiến cho rằng bộ phim hạ thấp vai trò của đại sứ Canada và đề quá cao vai trò của CIA và….Hollywood trong việc giải cứu con tin. Cũng như chuyện kịch bản “thêm thắt” các chi tiết hồi hộp ở cảnh sân bay. Khi lễ trao giải Oscar vừa kết thúc hôm 24/2, truyền hình của nhà nước Iran lập tức lên tiếng phản đối bộ phim lẫn giải Oscar, và gọi đó là “trò quảng cáo cho CIA”.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, quyết định sẽ đâm đơn kiện tụng chỉ đến sau khi các quan chức Bộ Văn hóa của Iran được xem bộ phim trong một buổi chiếu riêng tư hôm đầu tuần. Những người có mặt được nói là đã thảo luận về “cú chơi xỏ của Hollywood” và nhất trí cho rằng bộ phim “tuyên truyền chống lại” Iran và “toàn thể nhân loại”. Người phát ngôn của hãng Warner Bros nói với trang tin điện tử The Wrap là hãng “không bình luận” về lời dọa kiện này.

“Argo” hiện đã kiếm được doanh thu gần 219 triệu USD so với chi phí làm phim 44,5 triệu USD

Luật sư Coutant-Peyre nói với hãng tin Mehr qua phiên dịch rằng, bà đang lên kế hoạch cho chiến dịch “phơi bày sự dối trá của bộ phim” để hi vọng ngăn sự phát tán bộ phim. “Chúng tôi có thể sẽ ngăn chặn phát hành bộ phim, buộc họ phải xin lỗi và thú nhận là bộ phim chẳng có gì ngoài một câu chuyện dối trá được dựng lên”. Đến nay, “Argo” chưa từng được chiếu rạp tại Iran nhưng người dân địa phương có thể dễ dàng xem qua các bản DVD sao chép lậu.

Đây không phải lần đầu tiên Iran cáo buộc Hollywood ra sức “bóp méo hình ảnh” về đất nước họ. Năm 2009, Iran yêu cầu một đoàn viếng thăm gồm các diễn viên và quản lý ở Hollywood phải xin lỗi vì những bộ phim như “300”, “The Wrestler” đã “xúc phạm” người Iran.

Năm 2007, bộ phim ăn khách “300” mô tả cuộc chiến giữa người Hy Lạp và người Ba Tư đã khiến người Iran giận dữ vì cho rằng đã xúc phạm tổ tiên của họ và kích động tinh thần hận thù đối với Iran.

Năm 1991, bộ phim “Not Without My Daughter” dựa trên một câu chuyện có thật về một phụ nữ Mỹ chạy trốn khỏi Iran với cô con gái nhỏ, bị cáo buộc là đã mô tả người Iran như những người dơ bẩn, thô lỗ, tàn bạo, bị đạo Hồi ám ảnh và thái độ chống phụ nữ.

Đây không phải là bộ phim Oscar duy nhất năm nay gặp rắc rối vì chi tiết lịch sử. Mới đây, một số nghị sĩ ở Thượng viện Mỹ đã đồng ký tên dưới lá thư gửi CIA yêu cầu làm rõ cơ quan này đã cung cấp những thông tin nào dẫn tới “hiểu lầm” về phương pháp truy vấn bằng cách tra tấn của “Zero Dark Thirty”, bộ phim xoay quanh chuyện tìm diệt Bin Laden.

Minh Khôi