Lâu nay, đường ray tàu hỏa trước cổng bệnh viện Bạch Mai trở thành nơi hàn huyên, uống trà của người dân từ quê lên thành phố khám bệnh.
Mặc dù biển cấm bán hàng vẫn còn nhưng hàng nước vẫn hoạt động, hàng chục người ngang nhiên ngồi uống nước, bất chấp vi phạm an toàn giao thông đường sắt, ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngang nhiên ngồi trên đường ray uống nước. Ảnh: Ngọc Thi |
Không chỉ quán trà đá mà hàng ăn cũng mọc lên. Thậm chí, các hàng quán này bày biện đầy đủ các dụng cụ xoong, nồi, ghế. Sau khi dọn hàng, họ dọn một góc vào vỉa hè, ngày mai bán tiếp.
Nhiều khi ghế không đủ ngồi, khách hàng cầm trên tay ly trà, ngang nhiên ngồi trên đường ray. Điều đáng nói, xe máy của cánh xe ôm cũng để luôn trên đường ray chứ không phải một vị trí an toàn nào khác.
Xe ôm để trên đường ray. Ảnh: Ngọc Thi |
Ông Nguyễn Văn Toàn, xe ôm lâu năm trước cửa Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tình trạng hàng nước, quán ăn hoạt động đã xảy ra nhiều năm nay. Thỉnh thoảng cũng có công an phường đến dẹp nhưng lại đâu vào đó”.
Bà Trịnh Thị Hồng, 54 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa, bán hàng rong ở cổng bệnh viện cho hay, dạo trước tình trạng bán hàng diễn ra nhộn nhịp hơn. Mới đây, công an phường Đồng Tâm thường xuyên nhắc nhở, tịch thu bàn ghế nên một số hàng cháo, trứng vịt lộn đóng cửa.
Đồ đạc cũng được an ngự tại chỗ để phục vụ việc bán hàng. Ảnh: Ngọc Thi |
Để tránh lực lượng công an, hiện tại các hàng quán chỉ bán từ sáng đến 2h chiều hằng ngày.
Vào lúc có chuyến tàu chạy qua, khách hàng và chủ quán nhanh nhẹn dọn dẹp, nép sát vào bên lề đường. Hết giờ tàu chạy, mọi người lại vui vẻ kéo ghế, cầm ly trà nóng về vị trí ban đầu.
Nhiều người dân tỉnh lẻ họ không hiểu hết sự nguy hiểm của việc ngồi ăn uống trên đường ray. Chị Hoàng Thị Thao, quê Phú Thọ, lên chăm mẹ ốm ở Bệnh viện Bạch Mai vô tư trả lời: “Chúng tôi ở quê lên, chả biết hàng quán gì mấy. Chủ yếu ăn cơm căng tin, vào buổi sáng hay ra ngoài cổng uống nước cho đỡ bí bách. Không khí trong bệnh viện tù mù lắm, có tàu đến thì mình chạy, không sao đâu”.
Họ thản nhiên chứ không nghĩ là nguy hiểm. Ảnh: Ngọc Thi |
“Tôi không thấy có gì đáng sợ cả, tàu đến thì mình chạy, nhiều khi tàu chưa đến chủ quán nước đã dặn chúng tôi trước rồi”, ông Dương Văn Trình, quê Hưng Yên cho biết.
“Tôi hay ăn sáng ở đây vì giá bán rẻ hơn trong căng tin bệnh viện. Ví như bát cháo trong kia bán 25 nghìn thì ngoài này họ chỉ bán 15 nghìn. Lên đây chữa bệnh tốn bao nhiêu chi phí, tiết kiệm được cái gì hay cái đó”, nhiều người dân cho biết.
Thực tế, chính sự thờ ơ, coi thường tính mạng của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn giao thông không đáng có.
(Theo Báo Gia đình & Xã hội)