Lý Thị Lan, đại diện công ty Shutan, Sapa O’Chau, một trong những doanh nghiệp nhỏ đã thành công khi chuyển đổi số. |
Chị Lý Thị Lan, đại diện công ty Shutan, Sapa O’Chau, một trong số ít người dân tộc thiểu số ở Sapa tham gia vào chương trình đào tạo của Google đã chia sẻ rằng cô có thể tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn, thông qua đó mà có thể tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chính cộng đồng. Đồng thời có thể kết nối, hỗ trợ cho cộng đồng và cải thiện khả năng tiếp thị dịch vụ đển du khách.
Những khó khăn Lý Thị Lan gặp phải nhiều nhất trước khi biết đến chương trình Vietnam Digital 4.0 đó là: "vấn đề tiếp cận khách hàng và làm thế nào để khách hàng có thể biết đến và tin tưởng dịch vụ của mình. Mặt khác cộng đồng chưa biết về công nghệ thì tôi thấy rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt thông tin trên các nền tảng online, khiến cho bà con gặp khó khăn trong việc kết nối khách hàng. Đồng thời, khách hàng lại không biết đến các dịch vụ cũng như sản phẩm hiện có của đồng bào để họ có thể đến sử dụng dịch vụ cơ sở homestay của cộng đồng nơi bản địa đã và đang phát triển ở vùng sâu vùng xa".
Lý Thị Lan là một trong số trên 58.000 cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được hưởng lợi từ chương trình đào tạo miễn phí Vietnam Digital 4.0 do Google phối hợp cùng VCCI tổ chức.
Tại đây, các học viên đăng ký sẽ tiếp cận những nội dung kỹ năng kỹ thuật số đa dạng bao gồm: Xây dựng một thương hiệu dễ nhớ, Xây dựng chiến lược truyền thông trên mạng xã hội, Làm thế nào để tạo một trang website đơn giản, Tăng cường độ phủ sóng của trang web và kỹ năng dành cho nữ lãnh đạo. Chương trình bao gồm những bài học được thiết kế bởi các chuyên gia xoay quanh các nội dung như tiếp thị kỹ thuật số, thương mại điện tử, sự hiện diện trực tuyến và kỹ năng điều hành doanh nghiệp.
Trong buổi gặp gỡ được tổ chức sáng nay (12/10), Google công bố cột mốc đầu tiên trong chương trình Digital 4.0 tại Việt Nam với con số 58.249 doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng như các cá nhân được đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và chiến lược tiếp thị số chỉ sau 6 tháng triển khai.
Ông Kent Walker, Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách các vấn đề toàn cầu kiêm Cố vấn Pháp lý Google |
Góp mặt tại buổi gặp gỡ, ông Kent Walker, Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách các vấn đề toàn cầu kiêm Cố vấn pháp lý Google khẳng định: "Tại Google, chúng tôi rất coi trọng doanh nghiệp dù đó là doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Thành công của bạn rất quan trọng đối với chúng tôi".
Bày tỏ sự khâm phục với Lý Thị Lan, vị Phó chủ tịch cấp cao Google chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng mọi người Việt Nam đều có khả năng xây dựng doanh nghiệp thành công khi họ nắm vững các kỹ năng vận dụng lợi ích của sử dụng Internet như trường hợp của cô Shutan, một học viên đã được đào tạo từ chương trình Digital 4.0 và tiếp tục lan toả kiến thức đó đến mọi người tại Sa Pa. Và chương trình Digital 4.0 chỉ là một trong số những khởi đầu của chúng tôi đến một Việt Nam đã sẵn sàng cho môi trường kỹ thuật số”.
"Với chương trình Vietnam Digital 4.0, chúng tôi mong muốn hỗ trợ đào tạo 500.000 doanh nghiệp nhỏ và nhân viên của họ cho đến hết năm 2020. Chúng tôi mong muốn được góp phần hỗ trợ sự phát triển được tiếp sức bởi công nghệ kỹ thuật số vì đây chính là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Google - phát triển con người ở Việt Nam", ông Kent Walker cho biết.
Chương trình Digital 4.0 hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) vì đây chính là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cứ 5 doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ 1 doanh nghiệp có sự hiện diện trực tuyến. Chương trình Việt Nam Digital 4.0 sẽ thúc đẩy các thế hệ doanh nhân Việt Nam đạt được thành công trực tuyến và góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái số Việt Nam.
Chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng sang các tỉnh thành khác vào năm 2019 và 2020 với mục tiêu đào tạo 500.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam từ nay đến năm 2020.