Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, ông Ngô Khải Hoàn đã chia sẻ với VietNamNet về thách thức, cơ hội cho dệt may trong giai đoạn tới.

PV: Xin ông đánh giá về tình hình dịch Covid trong năm 2020 đã ảnh hưởng ra sao tới các doanh nghiệp dệt may và da giày của Việt Nam?

Ông Ngô Khải Hoàn: Trên thực tế trong những năm vừa qua, ngành dệt may và da giày là một trong nghành chủ lực có đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt có ý nghĩa xã hội.

Tính riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may da giày đạt trên 57 tỉ USD. Trong đó tính riêng dệt may là 40 tỉ USD. Với số lượng doanh nghiệp trong cả hai ngành là 100.000 doanh nghiệp với 4.000.000 lao động, có thể nói đây là một trong những ngành mà đóng góp ý nghĩa xã hội rất lớn ngoài sự đóng góp phát phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid bùng phát đã gây rất nhiều khó khăn trong ngành dệt may và da giày.

Thứ nhất về xuất khẩu, theo phản ánh của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu năm, số lượng đơn hàng giảm. Thứ hai nữa là về mặt nguyên liệu, có thể nói là khó khăn đứt đoạn trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt là nguyên liệu cho ngành dệt may và da giày cung cấp cho các nhà máy sản xuất. Cả thị trường thiếu hụt nguyên liệu gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn đấy, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may, đã thể hiện được sự linh hoạt và năng động thích ứng, biến khó khăn thành cơ hội. Họ đã chuyển đổi sản xuất, tìm kiếm thị trường, mở rộng các đối tác cũng như tìm kiếm phát triển sản phẩm mới.

Có thể nói, khẩu trang là một trong các sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, mặt khác đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu, giảm bớt khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành.

PV: Vừa qua chúng ta cũng đã kí một số hiệp định FTA với yêu cầu rất khắt khe về xuất xứ và các tiêu chuẩn. Trong khi đó, ngành dệt may và da giày vẫn phụ thuộc nguyên phụ liệu rất lớn từ bên ngoài. Vậy, các doanh nghiệp đang chuẩn bị như nào trước cơ hội này?

{keywords}
FTA mở ra nhiều cơ hội cho dệt may (ảnh: Phạm Huyền)

Ông Ngô Khải Hoàn: Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ký hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Có thể kể đến hiệp định CPTPP, EVFTA và gần đây là hiệp định RCEP. Một mặt, các Hiệp định này mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành của chúng ta, nhất là phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung.

Tuy nhiên, trong số các cam kết của chúng ta đối với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này, có thể nói dệt may và da giày là một trong những ngành có nhiều ưu đãi và cơ hội để phát triển nếu chúng ta tận dụng tốt được tất cả những ưu đãi do các Hiệp định này đem lại. Như với ưu đãi về thuế, chúng ta hoàn toàn có thể mở được thị trường.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay là đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, cũng như các yêu cầu khác về môi trường, xã hội.

Trong thời gian vừa qua, ngành dệt may da giày đang gặp những nút thắt về nguyên liệu. Nếu chúng ta nhập khẩu một lượng nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài để phục vụ cho sản xuất thì nó sẽ không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang các quốc gia thành viên của các Hiệp định thương mại tự do.

Chính vì vậy, để đáp ứng được các nguyên tắc xuất xứ, một trong những yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là tập trung nguồn lực đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, sản xuất phụ liệu để phục vụ cho những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do.

PV: Vấn đề của chúng ta là tiêu hao rất nhiều nhân lực do công đoạn thủ công nhiều. Ông nhận định như thế nào về bài toán nguồn nhân lực cũng như nâng cao năng suất, giảm giá thành cho lĩnh vực dệt may da giày?

{keywords}
Ngành dệt may cần đầu tư máy móc đồng bộ, tăng hiệu suất lao động (ảnh: Phạm Huyền)

Ông Ngô Khải Hoàn: Thứ nhất về nguồn nhân lực, nhân lực trong ngành dệt may da giày hiện nay chiếm số lượng rất lớn lao động, sử dụng 4.000.000 lao động trực tiếp và gián tiếp. Chính vì vậy, để đáp ứng được những nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của các đơn hàng xuất khẩu, một mặt vẫn phải đảm bảo được số lượng nhân công trong ngành dệt may và da giày, thứ hai phải tiếp tục nâng cao kỹ năng tay nghề của người lao động để làm sao đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu.

PV: Theo dự đoán năm 2021, ngành dệt may da giày sẽ phát triển ra sao trong bối cảnh dịch vẫn đang diễn biến phức tạp như vậy?

Ông Ngô Khải Hoàn: Trong năm 2021, cũng như trong thời gian tới, có thể nói hiện nay tình hình dịch Covid trên thế giới cũng như ở các nước trong khu vực hay các đối tác chính của chúng ta hiện nay cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có Mỹ, Châu Âu. Chính vì vậy, sẽ vẫn có nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, về những thuận lợi trong thương mại.

Tuy nhiên, với một loạt những cơ hội mở ra bởi các Hiệp định thương mại tự do đã bắt đầu có hiệu lực, giúp doanh nghiệp chúng ta vẫn có những cơ hội, các điều kiện tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành dệt may và da giày trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)