Theo phản ánh của anh Dương Kim Nhật (trú xã Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), ngày 28/11, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thùy Dung (30 tuổi) vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để thăm khám. Tại đây các bác sĩ cho biết chị Dung bị u nang buồng trứng, chỉ định nhập viện phẫu thuật.
Sau 4 ngày nhập viện kiểm tra và khám tổng quát, bác sĩ kết luận chị Dung đủ sức khỏe để phẫu thuật. 8h sáng ngày 1/12, chị Dung được bác sĩ đưa vào Khoa sản mổ u nang.
“Kể từ lúc vợ đưa vào phòng phẫu thuật gia đình tôi không hề biết tin gì về vợ, cho đến 15h chiều cùng ngày, bác sĩ thông báo là vợ tôi bị sốc phản vệ thuốc gây mê nên bất tỉnh, ngừng tim. Sau đó vợ tôi được đưa đến Khoa hồi sức tích cực cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện, vợ tôi không có dấu hiệu tỉnh lại. Đến ngày 10/12, tôi yêu cầu phía bệnh viện làm rõ trách nhiệm. Bệnh viện đã họp ê kíp phẫu thuật làm việc với gia đình tôi nhưng phía bệnh viện không nhận trách nhiệm, họ đã làm thủ tục đưa vợ tôi ra Bệnh viện ĐH Y Hà Nội điều trị”, anh Nhật bức xúc nói.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh nơi xảy ra sự việc |
Cũng theo anh Nhật, tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, các bác sĩ kết luận chị Dung bị tổn thương não hệ tuần hoàn rất nặng, thiếu ôxy não, tiên lượng yếu, có khả năng sống thực vật.
“Đến nay đã hơn 20 ngày trôi qua nhưng vợ tôi vẫn chưa tỉnh lại. Hiện tôi đã đưa vợ về lại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục điều trị với hi vọng còn nước còn tát. Tôi không hiểu vì sao vợ tôi từ một người khỏe mạnh, sau khi mổ u nang thì lại rơi vào nguy kịch. Tôi vô cùng bức xúc và lo lắng cho sức khỏe của vợ. Cho đến giờ phút này phía bệnh viện không có bất cứ trách nhiệm nào với gia đình tôi”, anh Nhật nói thêm.
Liên quan đến việc này, ông Lê Văn Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bệnh nhân Dung nhập viện trong tình trạng có u nang buồng trứng rất lớn, kích thước 10cm. Ca phẫu thuật do bác sĩ Lâm Phúc Công, Khoa phụ và hỗ trợ sinh sản tiến hành.
“Trước khi tiến hành mổ, bác sĩ đã làm các sàng lọc, xét nghiệm cho bệnh nhân, kết quả đều bình thường, người bệnh đủ điều kiện sức khỏe mổ. Kỹ thuật cắt bỏ u nang đơn giản, trước mổ bác sĩ dùng thuốc tiền mê và mê nhưng sau khi gây mê được 10 phút, bác sĩ lắp monitor theo dõi các thông số, bệnh nhân bỗng ngừng tuần hoàn.
Sau đó, đã tổ chức cấp cứu cho bệnh nhân, tiến hành hạ thân nhiệt nhằm bảo vệ tế bào thần kinh tốt nhất. Toàn bộ chi phí hạ thân nhiệt để cứu bệnh nhân có số tiền rất lớn nhưng phía bệnh viện đã miễn phí.
Bác sĩ đã phối hợp với trung tâm hồi sức của Đại học Y Hà Nội, trực tiếp phối hợp cấp cứu cho bệnh nhân, nhưng sự phục hồi về não quá chậm nên bệnh viện đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”, ông Dũng thông tin.
Ông Dũng cho rằng, trong quá trình mổ không có sơ suất gì từ phía bác sĩ. Nguyên nhân là do sốc phản vệ với thuốc gây mê trong quá trình mổ. “Cái buồn nhất trong cấp cứu sốc phản vệ là cứu sống được nhưng bệnh nhân lại mất não, hồi phục về não rất khó”, ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi trước khi phẫu thuật, phía bệnh viện có khám tiền mê cho bệnh nhân không, ông Dũng cho hay: “Trước ca mổ, bác sĩ đã khám sàng lọc tuy nhiên trong tất cả các ca mổ, không có hướng dẫn chỉ định bất cứ một trường hợp nào vào phòng mổ cũng phải test tất cả các loại thuốc mê mà người ta theo dõi sau đó để phòng chống sốc. Chúng tôi đã trao đổi với gia đình đây là một sự cố y khoa đáng tiếc trong việc sử dụng thuốc gây mê, mong gia đình chia sẻ”.
Thiện Lương
Uống thuốc nam trị viêm da, bé 13 ngày tuổi suy đa tạng nguy kịch
Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy trẻ có tình trạng suy gan, thận nặng kèm suy tim rất nặng. Hình ảnh trên phim chụp X quang cũng phát hiện phổi có rất nhiều tổn thương.