Ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 5km, có một khu phố thường được gọi là “phố không chồng”.

TIN BÀI KHÁC


Nơi đây là tổ ấm của các chị em nữ không chồng và những đứa trẻ không cha. Họ âm thầm sống, chịu đựng và lặng lẽ côi cút, đùm bọc nhau để sống, để chống chọi với cuộc đời đầy sóng gió khi không có “trụ cột” trong gia đình. Chúng tôi đến “phố không chồng” lúc mặt trời đã đứng bóng, nắng như đổ lửa. Nơi đây có 126 căn nhà liền kề (gồm 5 dãy từ B1 đến B5) dành cho chị em phụ nữ không chồng và những đứa trẻ mang họ mẹ trú ngụ.

Nhọc nhằn mưu sinh


Giữa trưa, những căn nhà cửa đóng im lìm. Chúng tôi chưa biết bắt chuyện cùng ai thì may mắn gặp được một chị bán hàng rong với đôi quang gánh trên vai mồ hôi nhễ nhại. Chị bảo: “Chị em nơi đây chỉ người nào đau ốm, bệnh tật nặng lắm mới chịu ở nhà”. Chúng tôi vào một căn phòng mở hờ cửa. Chị Nguyễn Thị Kim Yến (45 tuổi), ngậm ngùi cho hay: Chị em ở đây ai cũng nghèo, ngày ngày tản ra khắp các nẻo, hẻm mưu sinh tối mới tụ tập về. Thậm chí, một số chị em còn tranh thủ làm thêm ban đêm như bán trứng vịt lộn, nhặt ve chai…Chị Yến mắc phải căn bệnh tim to bẩm sinh khá nặng, lúc khỏe thì không sao, lúc mệt lại lên cơn dữ dội. Đã nhiều năm nay, chị chỉ quanh quẩn ở nhà tìm cọng rau, xin nắm gạo của bà con hàng xóm lo cho đứa con gái Nguyễn Thị Kim Dung đang học lớp 3, ăn chống đói để đi học qua ngày.
Chị em nơi "phố không chồng".
Còn chị Ngô Thị Bê (55 tuổi), do có sức khỏe hơn nên chọn công việc phụ hồ ở các công trường là để mưu sinh và nuôi con. Nhưng gần cả tháng nay, chị bị tai nạn lao động gãy xương vai không làm được gì lại phải trả tiền thuốc men tốn kém. Chị than thở: “Cái nghề hồ, trời nắng đau ốm không làm kiếm tiền được, thì lúc mưa chẳng biết lấy gì mà ăn”. Đa số, các chị em ở “phố không chồng” đều đã lớn tuổi, dường như sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng vì không ai nương tựa, lại thêm chị nào cũng có 1, 2 hoặc 3 con nên phải lam lũ làm ngày làm đêm. Phận gái lênh đênh, trải qua không ít cơ cực và tủi phận nhưng với họ niềm tin, niềm an ủi lớn nhất để họ vượt qua những chuỗi ngày khó khăn đó là đứa con mà họ mang nặng đẻ đau.

Những cuộc tình “va quẹt”


Lúc đầu, tôi hơi bỡ ngỡ vì không nghĩ có nhiều chị em không chồng đến vậy, kéo theo đó là hàng trăm đứa trẻ không cha. Chuyện không chồng mà có con đối với nhiều chị em phụ nữ nơi đây là vấn đề nhạy cảm bởi không ai muốn nhắc lại nỗi đau của mình và đặc biệt đề cập đến người cha, người chồng. Chị N.T.L (40 tuổi) tâm sự: “Lúc trẻ, cũng nhiều người theo đuổi, nhưng từ khi tôi bị bỏng xăng, khuôn mặt để lại sẹo, ai nhìn vào cũng e ngại”. Chính vết bỏng đó làm chị mặc cảm và luôn né tránh người khác. Khi đã lớn tuổi, chị mới giật mình nghĩ về tuổi già chẳng biết nương tựa vào ai khi ba mẹ không còn nữa và chị tự “xin” con để nuôi. Bây giờ, khi đứa con đã lên 10, chị bảo không còn nhớ mặt ba nó nữa. Nhiều lần nghe con gái hỏi “Ba con đâu hả mẹ”, chị chỉ trả lời quấy quá câu “ba con đã chết rồi” được định hình sẵn trong đầu để đối phó với con, rồi quay đi rớt nước mắt.
Còn chị T.T.M (58 tuổi) thân hình cao lều khều, khuôn mặt đầy khắc khổ. Do khuyết điểm về hình thức bên ngoài nên khi đã lớn tuổi chị vẫn chưa có người để ý đến. Một đêm khuya đi làm về, chị rụt rè ngỏ ý xin bác tài xe ôm đứa con. Sau đêm đó không lâu, chị mang thai bé H. Thế nhưng, ở đây, có những người chồng, người cha sẽ mãi là ẩn số bởi chính những người mẹ còn không biết cha con mình là ai. Thậm chí, có nhà 1 mẹ có 3 con, mỗi đứa con có người cha khác nhau. Nhưng tất cả những người cha đó đều không đáng để con mình biết đến, nên tất cả đều mang cùng họ mẹ. Tôi bỗng thấy rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh những đứa trẻ có chung cha mà không biết và kết hôn với nhau.

Đau đớn phận nữ nuôi con ngoài giá thú


Chuyện nữ không chồng mà có con bây giờ không phải là hiếm. Nhưng những năm về trước, đối với một số vùng quê lại là điều làm ô nhục và không được gia đình chấp nhận, đành phải bỏ xứ ra đi, lầm lũi nuôi con một mình. Chị N.T.K.A (1966), mẹ bé N.T.K.D, 9 tuổi, tức tưởi nhớ lại ngày tháng cơ cực một mình nuôi con vô cùng vất vả: “Không làm gì được để kiếm sống nên tôi phải bồng con đi xin ăn. Mẹ con ngủ bờ, ngủ bụi. Nhiều đêm con bé bị mũi chích đỏ cả người, có hôm gặp phải trận mưa, cả mẹ lẫn con lạnh buốt người. Nghĩ lại vẫn còn thấy sợ!”. Còn chị N.T.H chấp nhận làm vợ lẽ của người khác dù biết người đó đã có vợ. Để rồi khi người chồng “hờ” về với gia đình của mình, chị ngậm ngùi nuôi các con khôn lớn, trải qua biết bao cay đắng trong sự dèm pha của thiên hạ.
Nhưng rồi, những đứa trẻ ấy phần nào như hiểu được nỗi bất hạnh của mẹ mình nên rất ít hỏi đến cha. Bởi, chúng sợ sẽ làm mẹ buồn và cứ thế ký ức về người cha trong chúng rất mơ hồ, mong manh và không định hình. Và những con người sống ở khu phố “không chồng, không cha” ấy dường như bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Nhưng trong tận đáy lòng họ là cuồn cuộn những cơn sóng ngầm tâm sự của cả mẹ lẫn con.

(Còn nữa)


(Theo Đất Việt)