Xem clip chất vấn và trả lời chất vấn về thủy điện:
Tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, chiều nay (6/11), hàng loạt câu hỏi nóng liên quan đến an ninh mạng, báo chí, văn hóa, nội vụ, nông nghiệp đang chờ các thành viên Chính phủ trả lời.
16h45
Nói về nguyên nhân chính của sạt lở đất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ quan tâm đến nguyên nhân chủ quan của con người.
Theo ông, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển kinh tế rừng thì rừng Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng.
Đến nay độ che phủ rừng đã đạt trên 41% và đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; cao hơn độ che phủ rừng của một số nước trong khu vực (Trung Quốc 28%, Thái Lan 21%,...) và cao hơn nhiều mức bình quân che phủ rừng của thế giới xấp xỉ 3%.
Tuy nhiên, chất lượng rừng của nước ta còn thấp. Nguyên nhân do thời gian dài rừng tự nhiên bị phá để phát triển kinh tế. Rừng mới, chất lượng không cao; Tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả, đặc biệt là tình trạng phá rừng, lấy gỗ, xây nhà,... thì cũng ảnh hưởng đến rừng, chưa được kiểm soát.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội về mưa lũ miền Trung. Ảnh: QH |
Từ đó đã ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ.
Ngoài ra do việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực miền núi như các công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống,... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất.
Thứ ba là việc xây dựng các công trình nhà ở, các công trình bệnh viện, trường học, công sở, các điểm dân cư tự phát… tại khu vực miền núi thiếu nghiên cứu yếu tố địa chất cũng là nhân tố tác động làm sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ.
Thứ tư là việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện… nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.
Hiện nay, nước ta có trên 7.500 hồ thủy lợi, thủy điện thì đã đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 70 tỷ mét khối nước, trong đó có 437 hồ thủy điện - thủy lợi.
Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua các hồ, đập thủy lợi, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; Góp phần cắt lũ, đặc biệt là các hồ lớn, các hồ thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Kẻ Gỗ, Sông Tranh,...
Tuy nhiên, để xây dựng công trình hồ, đập thủy lợi, thuỷ điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường, vì đa số đều xây dựng ở khu vực trung du, miền núi nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng thời việc này còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.
Thứ năm là lực lượng tìm kiếm cứu nạn tuy huy động được các lực lượng Trung ương, địa phương, quân đội, công an với phương châm 4 tại chỗ nhưng chưa có lực lượng ứng phó thiên tai, tìm kiếm nạn chuyên nghiệp. Nhất là ở cơ sở, lực lượng chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu các phương tiện chuyên dùng, do đó rất khó, chậm tiếp cận đến điểm xảy ra sạt lở, thiên tai. Từ đó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tìm kiếm cứu nạn.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn đảm bảo mục tiêu đa mục tiêu, gắn phòng, chống thiên tai.
Xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Trên cơ sở bản đồ, sẽ quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có những chủ trương đầu tư để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét.
Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai như các công trình giao thông miền núi, công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ. Yêu cầu phải đảm bảo đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế.
Ngoài ra, tiếp tục đầu tư chương trình nhà vượt lũ của các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong thời gian tới, Quốc hội cần bố trí cụ thể nguồn lực trong trung hạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện.
16h
Giơ biển tranh luận lại, ĐB Ksor H’Bơ Khắp cảm ơn Bộ trưởng TN&MT đã khẳng định tại nghị trường rằng "rừng tự nhiên là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề" trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nữ ĐB cho rằng Bộ trưởng vẫn chưa trả lời vào câu hỏi chính: "Tôi hỏi bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục về xây dựng phát triển thuỷ điện nhỏ nữa hay không thì bộ trưởng chưa trả lời. Câu hỏi có hoặc không chứ không có nhưng".
Câu hỏi thứ 2, ĐB hỏi Bộ trưởng rằng: "ông trời- mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay, nó liên quan đến vụ sạt lở vừa qua ở miền Trung".
Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp giơ biển để tranh luận lại Bộ trưởng Trần Hồng Hà |
Bà phân tích, không tự nhiên mà trời mưa được, không tự nhiên địa chất đứt gãy, "Bộ trưởng nói rằng dân ở đó sống cả trăm năm nay và họ trồng rừng cây sản xuất. Tức cây rừng tự nhiên đã mất đi rất lâu và không có sự cải tạo đất, gây ra địa chấn về môi trường.
Trách nhiệm của Bộ trong việc đánh giá tác động môi trường đối với những dự án và công trình này rõ ràng có sự sai sót nên mới gây hậu quả như ngày hôm nay", bà nhấn mạnh.
"Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng thì Bộ trưởng thấy trách nhiệm như thế nào?", ĐB tỉnh Gia Lai nhắc lại câu hỏi.
Bà đánh giá phần trả lời về thực trạng bảo vệ môi trường Việt Nam hiện nay thì Bộ trưởng chưa trả lời rõ ràng. "Bộ trưởng chỉ tập trung vào rừng vì có lẽ mọi người nhìn thấy tên tôi thì đã nghĩ tới rừng rồi, nhưng mà thực tế ra không phải như thế dù rằng có như thế" ĐB kết luận.
XEM THÊM:
Nữ Trung tá công an chất vấn Bộ trưởng TN-MT về "ông trời và rừng"
Trung tá công an Ksor H'Bơ Khắp tiếp tục đăng đàn chất vấn hỏi "ông trời và rừng có quan hệ gì với thực trạng môi trường Việt Nam". Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời “rừng còn quan trọng hơn trời”.
15h45
Sau phần giải lao, các thành viên Chính phủ lần lượt vào trả lời các câu hỏi chất vấn.
Trả lời về thủ tục hành chính của ĐB Trần Văn Tiến và ĐB Trần Thị Hằng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiên tạo, hành động, phục vụ.
Đến nay, tỷ lệ nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương bị quá hạn thực hiện đã giảm từ khoảng 25% tổng số nhiệm vụ (thời điểm đầu nhiệm kỳ) xuống chỉ còn khoảng 1,8% hiện nay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn Bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính, trong đó, 58/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
Tuy nhiên, đúng như nhận định của ĐBQH, việc giải quyết thủ tục hành chính hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đặc biệt là tình trạng chậm - muộn, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, người thực hiện phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan và chờ đợi rất lâu mà không biết kết quả giải quyết ra sao. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hiện tượng cá biệt xảy ra ở một số ít cơ quan, là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Về điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng có 2 điểm nổi bật.
Một là, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; theo cách tính toán của WB, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm...
Hai là, xây dựng Chính phủ điện tử, trục liên thông văn bản quốc gia từ ngày 12/3/2019 đến nay đã có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ vận hành từ ngày 24/6/2019 đến nay đã phục vụ 23 phiên họp Chính phủ và hơn 561 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, giúp thay thế hơn 210 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm 169 tỷ đồng mỗi năm.
Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay Hệ thống đã kết nối 30 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 9/12/2019. Sau gần 11 tháng triển khai, đã có hơn 85 triệu lượt truy cập, 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái…
Tổng cộng, từ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, tiết kiệm khoảng 14.000 tỷ đồng mỗi năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
15h20
Trước giờ nghỉ giải lao, hàng loạt ĐBQH đứng lên đặt câu hỏi chất vấn với các thành viên Chính phủ.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi: Việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính; tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri, tại một số bộ, cơ quan, địa phương vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ tham mưu giải pháp nào cho Chính phủ trong việc tiếp tục được cải thiện, đổi mới cơ chế này?
ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về mức trợ cấp hàng tháng cho các cán bộ cách mạng bị địch bắt, tù đày.
ĐB Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) hỏi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về quản lý các công trình văn hóa tâm linh.
ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nêu tình trạng xuống cấp văn hóa, đạo đức ở một số nơi, đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng này. Đồng thời, chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT về giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao?
ĐB Cao Thị Giang (Quảng Bình) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nội vụ về tinh giản biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập, dẫn tới tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên.
ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về việc hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh khó khăn hiện nay; về xã hội hóa các cảng hàng không.
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp giúp Chính phủ trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng chính phủ điện tử, đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết đâu là điểm nhấn của công tác này trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV?
ĐB đặt câu hỏi với Bộ GTVT về việc tiếp tục triển khai tiểu dự án đường sắt Bắc Ninh - Phả Lại; chất vấn Bộ LĐTB&XH về chính sách hỗ trợ người dân vùng lũ.
15h15
Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (Gia Lai) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng về quan điểm "thủy điện nhỏ không có lỗi trong bão lũ, sạt lở ở miền Trung vừa qua mà là do địa chất bị đứt gãy" Thời gian tới Bộ trường có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ đúng không và theo Bộ trưởng "ông trời - mẹ thiên nhiên" và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng môi trường hiện nay VN.
Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?
Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (Gia Lai). Ảnh: QH |
"Tây Nguyên không thể là sa mạc mà phải phủ rừng xanh bạt ngàn", "phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng" khi nghe được tôi xúc động và trân trọng trăn trở đó của Thủ tướng. Việc phá rừng đúng quy trình, quy định thông qua các dự án thì phải điểm tên chỉ mặt tổ chức nào hay cứ qua Quốc hội bấm nút là được?
Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không, công tác cán bộ của ta nên đưa văn hóa này vào chưa?
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, thủy điện không phải là nguyên nhân gây mất rừng, lũ lụt mà đây là cách con người ứng xử với rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, thói quen tiêu thụ đồ gỗ tự nhiên, động vật hoang dã…
Thời gian tới, Bộ sẽ cùng Bộ NN&PTNT rà soát từng mét đất rừng thiên nhiên, phòng hộ, đặc dụng, kể cả những nơi không còn rừng nhưng có ý nghĩa trong phòng hộ thì phải phục hồi rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó.
15h05
Lý giải việc khó khăn trong công tác thu hồi tiền vi phạm tại các bản án đã tuyên, Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long cho biết nguyên nhân khách quan do nhiều vụ án có khoản tiền vi phạm lớn nhưng không thể tìm thấy.
Ông dẫn hàng loạt vụ án như: Vụ Huỳnh Thị Huyền Như có số tiền sai phạm hơn 15.000 tỷ nhưng đến giờ mới thu hồi 400 tỷ do khoản tiền rải rác nhiều nơi, nhiều tỉnh, chưa rõ tình trạng pháp lý. Vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam dù đã cố gắng nhưng mới thu hồi được 2.000 tỷ trên 3.700 tỷ.
Về công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng thu hồi tài sản không chỉ riêng của cơ quan thi hành án dân sự mà của một loạt các cơ quan từ ngân hàng thẩm định cho vay, đến các cơ quan tố tụng và các cơ quan tố tụng thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc thu giữ các khoản tiền.
Bộ Tư pháp đã tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, trình Ban Bí thư tăng cường công tác lãnh đạo của đảng trong việc thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng kinh tế
Vấn đề theo dõi thi hành bản án hành chính, Quốc hội đã nói rất nhiều và phía cơ quan tư pháp cũng đã cố gắng nhưng tỉ lệ vẫn thấp và không đạt được như mong muốn.
Đây phải là sự tự nguyện của các cơ quan, không thể thực hiện cơ chế cưỡng chế đối với cơ quan hành chính, tổ chức cá nhân còn tự chế được nhưng trách nhiệm hành chính trách nhiệm công vụ các cơ quan và đặc biệt là Phó chủ tịch UBND và UBND các cấp hết sức quan tâm đến vấn đề này, và có sự sát sao của cơ quan địa phương. Phải xem đây là một đánh giá khen thưởng kỷ luật cán bộ. Bộ Tư pháp rất cố gắng nhưng thẩm quyền còn hạn chế
14h50
Trả lời ĐB Phùng Thị Thường và Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, trước ảnh hưởng rất lớn của Covid-19, đến hết năm 2020, đã tạo việc làm cho 7,8 triệu lao động, lao động qua đào tạo đạt 64%, tỷ lệ thất nghiệp 2,48% trong quý III, đây là con số có thể chấp nhận được trong tình hình chung.
Về giải pháp tạo việc làm, cái gốc phải là tăng trưởng kinh tế, phát triển được doanh nghiệp, đây là chìa khóa tạo việc làm và giảm nghèo bền vững. Thứ hai, đào tạo và đào tạo lại, phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ xây dựng đề án này, trình vào đầu năm 2021.
Với các doanh nghiệp, phải tập trung nâng cao chất lượng quản trị, đổi mới công nghệ. Tăng cường dự báo, kết nối cung cầu lao động; thời gian vừa qua Chính phủ đã giao Bộ cùng với một số Bộ khác thực hiện, hiện mới dự báo chủ yếu là cung cầu ngắn hạn và chỉ ở một số lĩnh vực nhưng đã hiệu quả hơn, tốt hơn. Tăng cường kết nối đào tạo với doanh nghiệp, vừa qua bước đầu đã có hiệu quả.
Trả lời ĐB Châu Quỳnh Giao (tỉnh Kiên Giang ) quy định “Khi khen thưởng đối với tập thể có tổ chức Đảng, đoàn thể thì tổ chức Đảng, đoàn thể phải được đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong Thông tư 12/2019/TT-BNV, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết đã ký thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 12 và có hiệu lực ngay lập tức.
14h40
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Dung về giải pháp thay thế chôn lấp rác thải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự thấu hiểu bức xúc hoạt động xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt ở các TP lớn hiện nay.
Mỗi ngày đô thị nước ta thải ra 35.000 tấn chất thải rắn, nông thôn là 28.000 tấn. Ta có 381 lò đốt rác, 37 lò sản xuất phân compost, còn lại là gần 1.000 bãi chôn lấp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định rừng quan trọng hơn trời |
Về việc chôn lấp rác, Bộ trưởng TN&MT thừa nhận đây là vấn đề bức xúc, gây ô nhiễm nguồn nước, lãng phí các nguồn tài nguyên do không tái chế được và các công nghệ cũng không đạt yêu cầu.
Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đã có nhiều quy định như khi xây dựng các khu đô thị phải có bãi rác, điểm trung chuyển rác, khuyến khích phân loại, tái sử dụng rác, nhà nước hỗ trợ dịch vụ thu gom, xử lý rác, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ xử lý, tái chế rác.
ĐB Dương Xuân Hòa chất vấn về tình hình giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan tới các tranh chấp đất đai.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: Luật Đất đai 2013 với các quy trình thủ tục hết sức bài bản, nên dù còn tồn tại nhưng hiện các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai đã giảm 30-40% so với trước đây. Các vụ khiếu kiện đông người chủ yếu là liên quan tới Luật Đất đai giai đoạn trước.
Còn vấn đề tranh chấp đất đai nông lâm trường, có nhiều nguyên nhân do cơ sở dữ liệu, tình trạng quản lý lỏng lẻo, lợi ích của nông trường viên…, chúng tôi đã xác định và từng bước xử lý thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu và sắp xếp lại các nông, lâm trường.
Một vấn đề quan trọng khác là định giá đất đai bảo đảm khách quan, công bằng, thỏa đáng. Do đó, đề nghị đưa vào Luật Đất đai mới các vấn đề mới như cơ sở dữ liệu đất đai.
14h30
Trả lời về vấn đề ĐB Võ Thị Như Hoa (TP. Đà Nẵng) nêu tình trạng chồng chéo văn bản pháp luật, Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long cho rằng nhận xét của ĐB là chính xác.
Chính phủ xác định xây dựng thể chế là công tác ưu tiên. Bộ Tư pháp và các bộ ngành đã cố gắng nhưng tình trạng văn bản chồng chéo, hết hiệu lực, chưa phù hợp nhưng chưa được rà soát kịp thời là một thực tế.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long |
Vừa qua Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về những nhóm vấn đề chồng chéo, lý do và đề xuất. Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, do khả năng chúng ta còn hạn chế chưa dự liệu hết các vấn đề đặt ra, đặc biệt những nội dung liên ngành, nhiều vấn đề khó, có những biến động đòi hỏi phải cập nhật.
Các chủ thể xây dựng luật, văn bản luật cần rà soát đánh giá kỹ tác động. Khi soạn thảo luật phải đặt trong bối cảnh liên ngành, liên lĩnh vực. Yếu tố con người là cơ bản, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng.
ĐB Nông Văn Tình (tỉnh Nghệ An) đặt vấn đề khi có sự chậm trễ văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng nhận xét là chính xác và chưa được khắc phục triệt để.
Ngoài lý do chủ quan thì có những lý do khách quan như có những luật phải ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn, trong khi có những vấn đề rất khó, còn nhạy cảm. Vì vậy, đây phải là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ ngành, là tiêu chí đánh giá cán bộ, phải thực hiện song song khi xây dựng dự thảo luật.
14h20
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về tôn chỉ mục đích của báo chí.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí, tức cơ quan và tổ chức nằm trong hệ thống tổ chức chính trị ở Việt Nam.
Mỗi cơ quan tổ chức đều có chức năng nhiệm vụ riêng, các cơ quan báo chí phải bám theo chức năng nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ mục đích để tuyên truyền, vì thế sẽ vẽ lên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam. Nếu không có sự phân vai thì có thể lệch bên này, lệch bên kia, nhiều chỗ này ít chỗ kia và rất nhiều vấn đề kinh tế xã hội sẽ không được đề cập.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời Quốc hội về tôn chỉ mục đích báo chí |
Tập trung hoạt động theo tôn chỉ mục đích thì giúp cho báo chí viết chuyên sâu được cái mà báo chí hiện nay đang còn yếu, đây là cách tiếp cận của Việt Nam đã được luật định.
Song cũng có ý kiến cho rằng thực hiện tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt trong việc chống tiêu cực tham nhũng, tôi khẳng định điều này không hạn chế quyền đó.
Thời gian vừa qua có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ mục đích, chuyên ngành của mình, việc này gây khó khăn cho nhiều cơ quan tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan báo chí, nhà báo đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ TT&TT đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm: Từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ TT&TT đã dùng công nghệ, phát triển công cụ để phát hiện những bài báo "sáng đăng, chiều gỡ". Thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại giao ban hàng tuần, xử lý hành chính hoặc theo quy định đạo đức nghề nghiệp.
Hiện nay hiện tượng này đã giảm đáng kể, mỗi tuần chỉ còn 1-2 vụ phải giải trình nhưng chủ yếu là do lỗi biên tập phải sửa lại.
ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) hỏi Bộ trưởng TT&TT về xử lý những nội dung nhảm nhí, trái văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ đã đạt tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh Youtube lên đến 90%, mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu, độc.
Việt Nam đã làm việc với Facebook, YouTube; số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với 2017, của Youtube tăng 8 lần.
Bộ trưởng nhấn mạnh các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Facebook, YouTube… đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.
“Hiện nay, Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam là hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế”, Bộ trưởng Hùng nói và lấy ví dụ nếu mức phạt là 4% doanh thu, Facebook sẽ bị phạt 1 tỷ USD.
Bộ trưởng đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện các video xấu, độc thì báo đến đường dây nóng của bộ vá các sở TT&TT để phối hợp xử lý.
Thời gian tới, Bộ TT&TT đặt mục tiêu gỡ bỏ 100% video xấu, độc bị phát hiện, phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc, phối hợp với Bộ VHTTDL ra hướng dẫn tiêu chí đánh giá video vi phạm thuần phong mỹ tục…
XEM ĐẦY ĐỦ:
14h05
Mở đầu phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói về việc ban hành Nghị định về An ninh mạng. Sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, Bộ đã xây dựng các văn bản, nghị định để cụ thể hóa các quy định của luật. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 04 năm 2019.
Chúng ta đang cân đối giữa các nội dung của quốc tế với luật pháp Việt Nam, từ đó có danh mục các thông tin quan trọng, là căn cứ để phê duyệt Nghị định này.
Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội về an ninh mạng |
Chưa ban hành nghị định thì chưa có căn cứ để ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”, đại tướng Tô Lâm nói.
Trả lời câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng về quyền tố tụng của luật sư. Bộ trưởng khẳng định: Cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng theo quy định.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng báo cáo thêm về tình trạng tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng, thậm chí đáng lo ngại là người thân trong gia đình giết hại. Theo Bộ trưởng, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp để khắc phục sự xuống cấp trong đạo đức xã hội. Đề nghị các cấp các ngành phối hợp lực lượng công an nắm bắt thông tin, giải quyết sớm các vấn đề cấp cơ sở, quản lý tốt các đối tượng.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu lên sáng nay về dấu hiệu tiêu cực của một số công an cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định nếu có cũng "hết sức cá biệt".
Hiện nay, Bộ Công an triển khai lượng lớn công an đến cơ sở. Quan điểm Bộ là kiên quyết xử lý sai phạm tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ, không bao che bất kể trường hợp nào. Đồng thời, nếu đơn vị nào có vi phạm thì người đứng đầu sẽ bị xử lý.
Bộ trưởng Công an đề nghị ĐBQH, cử tri nếu phát hiện công an có tiêu cực, vi phạm thì trao đổi với Bộ Công an, ở mọi cấp chúng tôi sẵn sàng xác minh, xử lý, thông báo rộng rãi với nhân dân.
Đại tướng Tô Lâm: Không bao che sai phạm của bất cứ trường hợp nào
Bộ trưởng Công an đề nghị ĐBQH và cử tri cả nước nếu phát hiện ra những Công an có tiêu cực, vi phạm thì trao đổi với Bộ Công an ở mọi cấp để xử lý kịp thời.
14h
ĐB Trần Thị Dung - Điện Biên hỏi: Luật An ninh mạng có hiệu lực và sau 23 tháng thì đến nay Bộ còn nợ một quyết định ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc chậm ban hành này ảnh hưởng thế nào đến hiệu lực của Luật An ninh mạng?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre hỏi: Tôi xin gửi tới đồng chí Chánh án, đồng chí biết hiện nay luật sư là một trong những chủ thể tranh tụng. Vậy thì làm thế nào để cho luật sư thực sự được thực hiện quyền này theo pháp luật mà không bị cản trở trong quá trình tố tụng để thực hiện nguyên tắc tranh tụng? Tôi cũng xin gửi câu hỏi này tới Viện trưởng Viện kiểm sát và Bộ trưởng Bộ Công an.
Các đại biểu tại hội trường. Ảnh: Quốc hội |
Câu hỏi thứ hai là tới đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an. Hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán các thứ. Tôi đã thảo luận ở tổ và đề nghị đồng chí rồi thì thực hiện biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành công an.
Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì
Phiên chất vấn sáng 6/11 tại Quốc hội
Sáng nay (6/11), Quốc hội bước vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.