Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý kiến nghị của Bộ Y tế về tăng chi ngân sách nhà nước do Chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với lộ trình điều chỉnh giá vắc xin sản xuất trong nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan (Ảnh minh họa: Internet) |
Ngày 13/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ: Y tế, Tài chính để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đối với việc thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế theo các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ Y tế và ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp về việc thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ y tế theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương gồm: Nghị quyết 05 ngày 1/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết 20 ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Đối với kiến nghị giá dịch vụ y tế trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định và giá vắc xin sản xuất trong nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, Bộ Y tế thực hiện theo quy định của Nghị định 32 ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và quy định của pháp luật có liên quan.
Về kiến nghị tăng chi ngân sách nhà nước do Chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với lộ trình điều chỉnh giá vắc xin sản xuất trong nước, tăng chi ngân sách cho công tác kiểm tra nhà nước về kiểm soát chất lượng thuốc, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm và vắc xin, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.
Tại Nghị quyết Nghị quyết 05 ngày 1/11/2016 hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định 1 trong 8 chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế chính là đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm.
Theo đó, về đổi mới, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập, Nghị quyết 05 nêu rõ, tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công; phát triển thị trường dịch vụ công có sự quản lý, điều tiết phù hợp của Nhà nước.
Đồng thời, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học; giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả; không để cổ phần hóa thành tư nhân hóa và xã hội hóa thành thương mại hóa dịch vụ công.
Liên quan đến đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 20 ngày 25/10/2017 hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quản trị doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi về đất, tín dụng… để khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài”.