Tối 13/3 vừa qua, tại TP.HCM, đã diễn ra lễ kỷ niệm 25 thành lập FPT HCM, với sự tham dự của gần 350 người FPT chủ yếu là Ban lãnh đạo Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên và những cán bộ, nhân viên có thâm niên từ 10 năm trở lên. Buổi lễ không chỉ là dịp để các cán bộ, nhân viên FPT HCM nhìn lại chặng đường 25 năm đã đi qua mà còn là cơ hội để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhân viên đã và đang gắn bó với “ngôi nhà chung” FPT HCM được hội ngộ, cùng hồi tưởng lại những kỷ niệm đáng nhớ của thời kỳ đầu đầy gian khó.

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đất nước bước vào thời kỳ mở cửa. FPT, lúc bấy giờ cũng mới khởi nghiệp, đã nung nấu ý định tìm kiếm cơ hội để có thể mở chi nhánh tại TP.HCM. Như một duyên may, trong vô vàn khó khăn do yếu tố cơ chế thời ấy, năm 1990, với sự giúp đỡ của một số người bạn lớn, chi nhánh của FPT tại thành phố có môi trường kinh doanh sôi động nhất nước này đã được thành lập, đặt nền tảng quan trọng cho công cuộc “Nam tiến” của hàng loạt hoạt động kinh doanh, dịch vụ FPT. 

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT tiết lộ: “Cuộc họp bàn chuyện thành lập chi nhánh có các anh Trương Gia Bình, Hoàng Minh Châu, Ngô Vi Đồng (nay là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT) và tôi”. Song song với việc xúc tiến thành lập, khi đó ông Trương Gia Bình cũng đã bắt tay ngay vào công cuộc tuyển chiến tướng. “Sau khi thổ lộ ý định, anh Châu đồng ý luôn nhưng anh Đồng thì khó. Thời đó, hai anh đang là những người nổi tiếng trong giới”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhớ lại. Tuy vậy, ông Ngô Vi Đồng cũng sớm quyết định đầu quân cho doanh nghiệp non trẻ, trong khi ông Lê Trường Tùng là lâu nhất - 9 năm sau.

Ông Hoàng Minh Châu, cố vấn sáng tạo FPT kể, sau một thời gian ngắn hoạt động mà chưa có giám đốc, trong một lần vào Nam công tác, anh Bùi Quang Ngọc đã triệu tập các nhân vật quan trọng của chi nhánh để bầu người đứng đầu.

“Do lúc đó chị Trương Thanh Thanh đang nắm “tay hòm chìa khóa”, chức Kế toán trưởng, nên theo quy định không thể làm quản lý. Các ứng viên còn lại gồm các anh Nguyễn Minh Sơn, Vương Mạnh Sơn, Ngô Vi Đồng và tôi. Dưới sự điều hành của anh Ngọc, các “đối thủ” người nọ bầu người kia dù thật tâm có thể không muốn”, ông Hoàng Minh Châu nhớ lại.

Sau nhiều vòng không tìm ra tân giám đốc, ông Ngọc đã giới thiệu ông Hoàng Minh Châu đảm nhiệm chức danh này. Giám đốc đầu tiên của FPT HCM Hoàng Minh Châu chia sẻ: “Qua lần này, tôi rút ra hai bài học. Xây dựng quan hệ là quan trọng nhất bởi anh Ngọc là bạn học Toán của tôi ở Moldova. Thêm nữa, trong các ứng viên, tôi là người nắm kiến thức về CNTT nhiều hơn do có thời gian dài làm việc tại Trung tâm máy tính của Bộ Quốc phòng trước khi gia nhập FPT. Bài học ở đây là không cần quá giỏi, chỉ cần giỏi hơn là được”.

Sau khi mở đất và tìm ra thủ lĩnh, thương vụ đầu tiên là nhập 1.000 máy đánh chữ hiệu Olivetti. Gian nan qua nhiều cửa, máy của thương hiệu Italy cũng về đến kho an toàn. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, FPT khi đó lại phải đối mặt với bài toán nan giải là bán cho ai. Sau nhiều bàn tính, phương án ra chợ Bến Thành gặp đầu nậu lĩnh vực này được chọn lựa. Và ông Trương Gia Bình chính là người thay mặt công ty đi gặp đối tác. Cuối cùng, đầu ra của thương vụ cũng trót lọt. “Hồi ấy, chúng tôi ngây ngô dễ sợ, dù trong mình lúc nào cũng cháy bỏng ước mơ lớn”, Chủ tịch Trương Gia Bình hồi tưởng lại.

Là một trong những người tham gia bàn việc lập chi nhánh FPT HCM, nhưng 9 năm sau, ông Lê Trường Tùng mới rời quân đội gia nhập FPT dù khoảng thời gian ấy cũng “qua lại nhiều”. Ngày 17/4/2001, ông Tùng được bổ nhiệm Phó Giám đốc FPT HCM và “mama tổng quản” Phạm Thị Thanh Toan đã mua món bê thui - tượng trưng cho việc mổ bò khao quân - để người FPT ở 41 Sương Nguyệt Ánh liên hoan. Cuộc vui ấy đã “đánh gọn” chai Chivas 5 lít.

“Sau đó, mọi người cùng ghi “tâm thư”, ký và bỏ vào chai trước khi đóng nắp, niêm phong. Xong đâu đấy, đồng nghiệp còn dặn không được mở ra xem”, ông Tùng vừa giơ chai rượu vật chứng khệ nệ mang từ nhà lên vừa kể. Sau 14 năm, ông quyết định mở ra xem trong đó viết gì nhân kỷ niệm FPT HCM 25 tuổi và có nhiều nhân chứng tham dự. Đáng tiếc, sau khi nhờ “sự trợ giúp của người thân”, tờ giấy năm xưa chỉ còn một màu trắng toát. “Chắc hơi rượu còn lại đã khiến mực bay hết cả”, Chủ tịch Đại học FPT Lê Trường Tùng lý giải.

Chắc hẳn người trẻ FPT ngày nay khó có thể ngờ được chuyện cách đây hơn 20 năm, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Thành và Giám đốc Công nghệ Nguyễn Lâm Phương phải ngày ngày đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch và tối về ăn cơm khê.

Mời nguyên PGĐ Trung tâm đào tạo FPT Nguyễn Minh Hiền lên sân khấu, ông Nguyễn Khắc Thành kể, thời đó hai ông vào TP.HCM làm trong khoảng 6 tháng cho EximBank và VietsoftPetro. “Sáng sáng phải cong lưng đèo nhau từ Nguyễn Văn Trỗi lên Mạc Đĩnh Chi làm phần mềm. May sao đạp xe ít hôm được chị Hiền cho mượn xe máy đi làm. Xe máy thời đó rất quý”, ông Thành nhớ lại và cho biết hồi đó cả ông và ông Phương rất nhỏ, “cân vội kể cả quần áo chắc tổng được hơn 80 kg”.

Ở ngay trụ sở, mấy ngày đầu hai chàng lập trình viên trẻ “gặp gì ăn nấy” nên sức khỏe không đảm bảo. Nhưng thật may, gần 6 tháng công tác, ông Thành và ông Phương được bảo vệ của chi nhánh là ông Bùi Công Dân nấu cơm cho và món ăn quen thuộc là trứng. “Dù cơm nhiều khi sống và khê nhưng với chúng tôi, đó là điều rất quý. Cảm ơn người FPT với những ký ức còn mãi”, ông Thành chia sẻ.

Một phần tư thế kỷ đã qua đi. Đến nay, FPT HCM có hơn 9.000 nhân viên với nhiều thành tựu lớn đóng góp cho sự phát triển của FPT nói riêng và ngành CNTT Việt Nam nói chung. Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, nhớ lại những kỷ niệm xưa, nhắc lại một thời gian khó đã trôi qua để lại có thêm sức mạnh đối mặt với những thách thức đang tới, vững tin vào sự nghiệp toàn cầu hóa của FPT ngày nay.

“Nhờ có những người đồng đội chung lòng và hết mình vì công ty, các anh chị đã là những người đặt nền móng cho thành quả FPT ngày nay với 19 nước và hơn 22.000 nhân viên. Chúng ta đang toàn cầu hóa mạnh mẽ nhưng ước vọng vẫn như ngày đầu, đó là đạp bằng sóng gió để vươn ra biển lớn bằng khát vọng và trí tuệ Việt”, ông Bình nhấn mạnh.