Đặc biệt, với đối tượng học sinh được Đề án chú trọng, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, tăng khả năng thực hành luật, hiểu luật cho các em; nhất là với lĩnh vực an toàn giao thông. 

tiep-can-phap-luat-pho-yen-1.jpg
Một buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại trường học trên địa bàn thành phố. 

Nhiều trường học đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức các chương trình ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho toàn thể học sinh nhà trường.

Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh được nghe thông tin về tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố; tìm hiểu về biển báo hiệu giao thông đường bộ, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, cách đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi tham gia giao thông; giao lưu trả lời các câu hỏi liên quan đến Luật An toàn giao thông đường bộ, nhất là các tình huống giao thông trong lứa tuổi học sinh. Ngoài ra, các em còn được xem các tình huống giả định có nguy cơ xảy ra trên thực tế.

Chương trình đã giúp học sinh có những kiến thức, kỹ năng cơ bản để phòng tránh tai nạn giao thông, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, tạo cho các em thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, các em cũng góp phần lan tỏa việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật đến người thân, bạn bè…

Ngày 20/9, Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an thành phố Phổ Yên phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng và Trường THCS Thuận Thành tổ chức buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, phòng chống ma túy và phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Tại chương trình, gần 400 cán bộ giáo viên, học sinh Trường THCS Thuận Thành được nghe tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, nhận biết, cách xử lý các tình huống khi tham gia giao thông, những hành vi bị cấm khi tham gia giao thông… kết hợp giao lưu, trao đổi, trả lời các câu hỏi liên quan đến pháp luật với những tình huống quen thuộc trong hoạt động tham gia giao thông hàng ngày… Đồng thời, học sinh được trang bị các kiến thức về phòng chống tác hại của ma túy và kỹ năng phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ khi có tình huống cháy nổ xảy ra tại gia đình và cộng đồng.

Thông qua chương trình đã giúp học sinh bồi dưỡng thêm những quy định của pháp luật về thực hiện an toàn giao thông và phòng chống tệ nạn xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ, nhằm giảm thiểu tai nạn trong quá trình tham gia giao thông, thực hiện tốt nội dung giáo dục an toàn giao thông và phòng chống tai nạn thương tích trong trường học.

Năm 2024, thực hiện mục tiêu “An toàn giao thông cho học sinh khi đến trường” và hỗ trợ học sinh tiếp cận pháp luật về an toàn giao thông, thành phố Phổ Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông trong trường học. Trong đó, chú trọng nội dung tuyên truyền theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân, thanh thiếu niên, học sinh khi đi đường.

Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của công an, các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng đi đường an toàn trong thanh thiếu niên, học sinh. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục thanh niên, học sinh tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nhân rộng các mô hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong nhà trường; đưa việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm đối với các đơn vị cơ sở và các cá nhân. Có kế hoạch phối hợp thực hiện sâu rộng công tác tuyên truyền và triển khai phương án bảo đảm an toàn giao thông khu vực cổng trường khi bước vào năm học mới 2024 - 2025.

Bồi dưỡng kiến thức về các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho đội ngũ giáo viên để giúp việc truyền tải thông tin đến học sinh chính xác, đầy đủ. Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học an toàn giao thông; nội dung giảng dạy phải phù hợp với đối tượng; trang bị mô hình mô phỏng các tình huống giao thông cùng thiết bị trợ giúp việc học tập thực tế, giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện.  

Các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tìm hiểu, nắm bắt kịp thời các thông tin tuyên truyền về thực trạng tham gia giao thông an toàn để phối hợp với nhà trường thường xuyên nâng cao ý thức thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho con em.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV