Trong khuôn khổ chương trình đối ngoại năm 2023, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do đồng Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng dẫn đầu đã thăm và làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật Anh từ ngày 16-21/9/2023

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Anh Robert Jenrick, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long. Hai bên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước.

Toàn cảnh hội đàm

Trong khuôn khổ Hội đàm, hai Bên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của hai nước. Một số lĩnh vực hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành trọng tâm trong hợp tác thực thi pháp luật giữa hai nước như: hợp tác quản lý xuất nhập cảnh, phòng, chống tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép, nâng cao năng lực và hỗ trợ trang thiết bị. 

Hai Bên đã thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp triển khai có hiệu quả “Bản ghi nhớ về các vấn đề di cư” năm 2004, “Bản ghi nhớ về chia sẻ thông tin xuất nhập cảnh” năm 2013, trong đó đã tổ chức thành công Đối thoại di cư, xuất nhập cảnh Việt Nam - Anh lần thứ nhất vào tháng 8/2022 tại Việt Nam.

Tháng 7/2023, hai Bên đã đồng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện “Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hợp tác phòng, chống mua bán người” lần thứ nhất tại Việt Nam. Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác thực thi pháp luật nói riêng và quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung.

Tại Hội đàm, hai bên nhất trí đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, góp phần xây dựng lòng tin chính trị, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh.

Chia sẻ kinh nghiệm công tác, thông tin nghiệp vụ, hợp tác hiệu quả trên lĩnh vực di trú, hồi hương và xuất nhập cảnh, phối hợp điều tra trên các lĩnh vực phòng, chống tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tài chính, ngân hàng, rửa tiền… Tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản hợp tác đã ký kết.

Trao biên bản ghi nhớ về phòng, chống rửa tiền

Tội phạm rửa tiền không phải là tội phạm truyền thống ở Việt Nam, nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, Việt Nam là “mảnh đất” được các đối tượng rửa tiền hướng đến. Thực tế, trong những năm gầy đây cho thấy, Việt Nam xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất tinh vi. Để kiểm soát hoạt động này, ngăn ngừa những tác động xấu đến nền kinh tế, một trong những đòi hỏi đặt ra là cần có cơ sở pháp lý xử lý đủ mạnh…

Hoạt động rửa tiền thông qua giao dịch chứng khoán, ngân hàng hay bất động sản... cũng tương tự như tài trợ khủng bố, nó có nguồn gốc từ đồng tiền “bẩn”, phi pháp và đều được liệt vào nhóm tội phạm nghiêm trọng. Tiền thu được từ những hoạt động phi pháp ở nước ngoài được chuyển đến nước thứ hai bằng “người vận chuyển”, thông qua nhà cung cấp dịch vụ công ty để lập ra các công ty danh nghĩa ở một đất nước thứ ba rồi chuyển tiền về “đầu tư”. Từ đây, tiền được chuyển trở lại nước thứ nhất.

Đánh giá về hoạt động rửa tiền, giới chuyên gia khuyến cáo, cho rằng, đây là một vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và là nhân tố chính thúc đẩy tội phạm có tổ chức và tài trợ cho khủng bố.

Bởi tội phạm rửa tiền thường thu được khối lượng ngân sách khổng lồ từ các hành vi phi pháp như buôn ma túy, buôn người và tham nhũng. Để hưởng lợi từ các hành vi đó, tội phạm thường tìm cách đưa những khoản ngân sách này vào hệ thống tài chính hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Bởi vậy, ngăn ngừa việc lạm dụng các hệ thống tài chính trong nước và quốc tế sẽ có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống lại tội phạm này…

Do đó, nếu chỉ xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội nguồn sẽ không có đủ sức răn đe khi động cơ chính của tội phạm là lợi nhuận và lòng tham.

Thời gian qua, Vương quốc Anh đã cung cấp nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, cuối tháng 6 năm ngoái, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel đã trao Biên bản ghi nhớ về phòng, chống rửa tiền.

Đây là nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam và Anh đã tích cực và trách nhiệm cao trong đàm phán, rà soát nhiều nội dung quan trọng để hai bên có thể thống nhất Biên bản ghi nhớ về phòng, chống rửa tiền, tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác 2 bên trong lĩnh vực quan trọng này.

Hiền Linh