Dù đã sàng lọc kỹ các bệnh án để bệnh nhi nào đủ điều kiện xuất viện sẽ được về nhà ăn Tết nhưng đến ngày 24 Tết, tại khoa Nhi BV Bạch Mai vẫn còn 85 bệnh nhi phải nằm viện, trong đó chủ yếu là bệnh nhân viêm phổi, viêm tiểu phế quản, đường hô hấp cấp...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), cho biết, năm nào cũng vậy, vào dịp Tết bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi viêm đường hô hấp, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm tới khám. Cá biệt những ca tai nạn thương tích do nổ pháo, súng bắn đồ chơi, hay trầm trọng hơn là tai nạn giao thông vẫn có nguy cơ xảy ra với trẻ. Trong khi đó, đây là những tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh. Vì thế, trong ngày Tết, dù bận rộn cha mẹ cũng vẫn cần để mắt để phòng các nguy cơ xảy ra với trẻ.

{keywords}

Lưu ý chăm sóc trẻ sẽ phòng được nguy cơ mắc bệnh. Ảnh: Dân trí

Giữ nếp sinh hoạt đều đặn, chú ý ăn uống

Ngày Tết, với hầu hết người lớn chế độ sinh hoạt bị đảo lộn bởi những bữa tiệc, việc thăm thú họ hàng. Điều này khiến người lớn cũng cảm thấy vô cùng mệt mỏi bởi thay đổi nếp sinh hoạt hàng ngày. Với trẻ nhỏ, sự thay đổi nếp sinh hoạt này càng khiến trẻ mệt mỏi hơn, rồi việc ăn bừa bãi bánh kẹo ngọt dẫn đến đầy bụng, bỏ bữa, nô đùa nhiều ra mồ hôi, nhiễm lạnh... là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ có thể mắc bệnh trong ngày Tết.

Vì thế, với trẻ nhỏ, việc duy trì giờ giấc ổn định, đảm bảo ngủ đủ rất quan trọng với tình trạng sức khỏe của trẻ. Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng như hàng ngày cho trẻ, hạn chế tố đa việc ăn nhiều bánh kẹo, các loại hạt gây đầy bụng, khó tiêu cho trẻ, không cho trẻ ăn thức ăn nghi ngờ đã ôi thiu...

Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn là rất cần thiết. Trong các dịp Tết, khoa Nhi vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhi ngộ độc thực phẩm vì ăn quá nhiều món ăn trong ngày, ăn quá nhiều bánh kẹo, nước ngọt có gas...

Chú ý tai nạn thương tích

Ngày Tết, các gia đình thường di chuyển rất nhiều đi chơi xuân, thăm thú họ hàng. Vì thế, hãy để mắt kĩ tới trẻ trong những lần di chuyển, đi chơi như vậy.

Bởi việc chạy nhảy, đùa nghịch có thể khiến trẻ gã và gây tai nạn thương tích không đáng có. Để ý đến trẻ không có nghĩa là không cho trẻ chơi đùa mà trong sự giám sát của người lớn, phòng trẻ có những trò nghịch dại có thể gây tai nạn thương tích nguy hiểm. Đã có trường hợp hai gia đình đi đu lịch dịp Tết, trẻ con hai nhà cho dồn lại một phòng cho trẻ vui đùa, người lớn thảnh thơi trò chuyện để rồi trẻ đùa nghịch, chơi trò nhảy từ trên cao xuống và một em bé 4 tuổi đã bị gãy tay, sau khi sơ cứu đã phải bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội, cả nhà đã mất Tết vì phút lơ là không giám sát trẻ.

Ngoài ra, người lớn cần rất lưu ý, đi chơi xuân thăm họ hàng thường không tránh khỏi uống một vài ly rượu. Nếu di chuyển bằng xe máy, đã có hơi men, không tỉnh táo đừng đèo con trẻ, không tự cầm lái để phòng nguy cơ tai nạn đáng tiếc cho cả gia đình.

Hay cũng có những trẻ phải “xông đất” bệnh viện ngày Tết do bị chấn thương do pháo nổ, do súng đồ chơi. Vì thế, hãy luôn giám sát trẻ trong tầm mắt của người lớn để kịp thời phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra.

Giữ ấm đúng cách cho trẻ

Thời tiết hiện nay đúng đặc trung ngày Tết nhưng vẫn có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Chính sự chênh lệch nhiệt độ, thay đổi thời tiết là tác nhân chủ yếu khiến trẻ đổ bệnh, do cơ thể trẻ không kịp thích ứng với sự thay đổi này. Bình thường, trẻ chủ yếu ở trong nhà, do vậy không có sự thay đổi nhiệt độ quá lớn. Nhưng ngày Tết, bé thường được bố mẹ cho đi chúc Tết nên càng phải biết cách phòng bệnh, bằng cách sử dụng linh hoạt quần áo ấm để giữa ấm đúng cách cho trẻ, không khiến trẻ lạnh cũng không khiến trẻ vã mồ hôi vì quá ấm.

Khi cho trẻ ra ngoài đi chơi, đi chúc Tết họ hàng, nếu đi xe máy dù chỉ quãng đường ngắn cũng cần cho trẻ mặc đủ ấm, có mũ, kính, khẩu trang, chỉ nên đi với tốc độ vừa phải và luôn phải lưu ý xem bé có bị ủ quá kỹ phần đầu mặt khiến khó thở không.

Còn đi ô tô, bố mẹ phải chịu khó cởi – mặc đồ cho con. Khi xuống xe, hãy khoác thêm một chiếc áo ấm, loại kéo khóa để thuận lợi cho cởi – mặc. Khi lên xe, dù quãng đường ngắn nhất định cũng cần cởi áo khoác cho trẻ, vì trên xe nhiệt độ điều hòa ấm, chỉ ngồi 2 – 3 phút với áo ấm thì trẻ có thể vã mồ hôi và mồ hôi này thấm ngược vào người khiến trẻ cảm lạnh.

Trẻ cần mặc đủ ấm nhưng cũng cần phòng cảm lạnh do ra quá nhiều mồ hôi. Lau mồ hôi, thay quần áo ngay khi trẻ lỡ tè dầm là những việc tủn mủn nhưng lại quan trọng để phòng bệnh.

Còn khi trẻ có các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên với các biểu hiện xổ mũi, ho, viêm họng, sốt... Nếu bé không được điều trị sớm, đúng cách sẽ dễ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi. Tuyệt đối không vì tâm lý kiêng đi viện ngày Tết mà tự chữa cho trẻ, tự uống kháng sinh rất nguy hiểm. Nếu trẻ vẫn ăn, ngủ bình thường thì hạ sốt, rửa mũi... cho trẻ, theo dõi nếu trẻ diễn biến nặng hơn thì đi khám, không để tình trạng bệnh đã nặng, phải cấp cứu với những triệu chứng của suy hô hấp như: khó thở, khò khè, mặt mũi xanh tái, ho rũ rượi, đờm dãi ứ nghẹt, mệt lả; có trẻ sốt cao, co giật... rất nguy hiểm cho trẻ.

(Theo Dân trí)