Bệnh cúm gia cầm A/H5N6 nguy hiểm thế nào? Đường truyền lây, cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp cho người chăn nuôi và Thú y cơ sở những hiểu biết cơ bản về các vấn đề trên.
Sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm A/H5N6:
Bệnh Cúm gia cầm A/H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm type A, subtype H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, bồ câu, chim cút…gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người gây tử vong.
Thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm, góp phần bảo đảm cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Ảnh: Văn Lệ |
Đường truyền lây của bệnh cúm gia cầm A/H5N6:
Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp.
- Lây trực tiếp: Do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn, nước uống bị nhiễm vi rút cúm.
- Lây gián tiếp: Qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển,... bị nhiễm vi rút cúm.
Đặc biệt bệnh cúm gia cầm A/H5N6 có thể lây qua không khí làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nhanh (vi rút cúm phát tán vào không khí và gia cầm hít phải sẽ có nguy cơ phát bệnh cao)
Cách nhận biết bệnh cúm gia cầmA/H5N6:
Gia cầm bị bệnh cúm A/H5N6, tùy theo độc lực vi rút và sức đề kháng của đàn gia cầm mà có các triệu chứng lâm sàng, bệnh tích khác nhau
Vì bệnh cúm gia cầm A/H5N6 là bệnh mới lần đầu xuất hiện tại tỉnh ta, do đó đại đa số gia cầm mắc bệnh với thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày và thường có các biểu hiện đặc trưng: Chết đột ngột hàng loạt, mệt mỏi, nằm tụ thành từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi, thở khò khè, chảy nhiều nước mắt, sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt da chân xuất huyết tím thành vệt; ỉa chảy nặng, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh; ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt.
Khi mổ khám gia cầm bệnh thấy: Xoang bụng tích nước hoặc viêm dính; xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở dạ dày tuyến và ruột; xoang mũi và khí quản xuất huyết, chứa đầy dịch nhầy.
Tuy nhiên về triệu chứng lâm sàng, bệnh tích của bệnh cúm gia cầm rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác nhất là bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro (đối với gà) hoặc Dịch tả vịt. Do vậy người chăn nuôi khi thấy gia cầm, thủy cầm nuôi bị bệnh chết nhanh, tỷ lệ chết cao cần báo ngay cho cơ quan Thú y hoặc chính quyền đọc phương để phối hợp chẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm xác định chính xác bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời (phát hiện vi rút cúm gia cầm A/H5N6 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR).
Phòng tránh bệnh cúm gia cầm A/H5N6 truyền lây sang người:
- Mọi người cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm nhất là khi gia cầm bệnh. Khi tiếp xúc cần có trang bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ. Rửa sạch tay chân bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm, sản phẩm gia cầm.
- Đối với trẻ em, người già, phụ nữ có thai không nên tiếp xúc với gia cầm. Những người đang bị bệnh, đặc biệt bị bệnh cúm tuyệt đối không được tiếp xúc với gia cầm bệnh.
- Người tiêu dùng chỉ nên mua gia cầm và sản phẩm gia cầm biết rõ nguồn gốc, đã được cơ quan Thú y kiểm dịch; Chỉ ăn thịt, trứng gia cầm đã được nấu chín; Không ăn tiết canh vịt, ngan; Không làm thịt và ăn các loại gia cầm bệnh và chết để tránh nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6 là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân. Mọi người cần thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm, góp phần bảo đảm cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe, tính mạng.
Minh Thu