Theo báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 – 2017, nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức “trung bình cao” đến mức “cao”.
Để ngăn ngừa nhóm tội phạm tham nhũng, trong gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ban hành trong năm 2022, phải kể đến chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Ngày 2/6/2022, Thường trực Ban Bí thư ký Quy định số 67 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngay sau đó các tỉnh thành trong cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.
Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh giữa tháng 6 vừa qua, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết sau 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Theo đó, các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả hơn trước.
Đã có 2.196 văn bản được các Ban Chỉ đạo tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã làm tốt vấn đề này, như: Lào Cai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng…. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện kịp thời nêu trên đã tạo sự nhất quán cao từ Trung ương đến địa phương nhằm đưa Nghị quyết, chủ trương, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, của Tổng Bí thư đi vào cuộc sống.
Các Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và hướng dẫn của các cơ quan chức năng ở Trung ương.
"Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh", ông Võ Văn Dũng thông tin.
Bên cạnh việc chỉ đạo các ngành chức năng, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 147 cuộc kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; về thực hiện các kết luận của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; các kết luận thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Đã tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương. Đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng và gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTNTC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.,
Công tác PCTNTC được thực hiện nghiêm theo chủ trương "xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ".
Chỉ khi ngăn ngừa được tội phạm tham nhũng khi đó sẽ kể ngăn chặn đáng kể được nguồn của tội rửa tiền.